Làng hành hương là một trong những công trình văn hóa mới rất có giá trị do Công ty Tùng Lâm tạo lập những năm gần đây, cùng nhiều công trình văn hóa khác, làm cho Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa và tâm linh kiệt xuất của Việt Nam, xứng với danh hiệu “Yên Tử, đất Tổ của Phật giáo Trúc Lâm, kinh đô tư tưởng của nước Đại Việt suốt 2 thế kỷ XIII và XIV ở thời Trần”, với các công trình nghệ thuật và tôn giáo đạt đẳng cấp quốc tế.
Làng hành hương nằm ngay dưới chân Yên Tử, phía sau là những cánh rừng bạt ngàn ở Yên Tử thu hút khách du lịch.
Công trình này khởi công từ năm 2016 để chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2018 mà Quảng Ninh là địa chỉ được chọn đăng cai. Xuất phát từ ý tưởng ban đầu là phục vụ khách du lịch, nhất là khách xa, đến với vùng rừng núi Yên Tử, cách đường 18 và các khu vực đô thị trên dưới 20km xa, cần có chỗ ăn nghỉ, cần có đồ ăn thức uống, cần cho nơi dừng chân, thậm chí nghỉ lại vài ba ngày, ngoài thăm thú cảnh quan là nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong vùng rừng trong sạch, hít thở không khí tinh khiết của núi rừng, có cái mà mua sắm, có thứ mà vui chơi thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc ở công trường, nhà máy, đồng ruộng hay cơ quan hoặc bươn trải nơi thương trường vốn không dễ dàng gì. Vì thế mà ý tưởng về khu làng được hình thành. Cũng là ý tưởng sáng tạo đầy quả quyết của Giám đốc Bùi Đình Tuấn và các cộng sự tâm phúc của ông, lại được các nhà kiến trúc nổi tiếng ở trong nước và quốc tế ủng hộ để ra đời một ngôi làng kiểu mới rất Việt Nam, không quá xa lạ với đời sống hiện đại, nhưng đặc biệt phải có phong vị riêng, mang hơi hướng đặc trưng của thời Trần và điều ấy mới là hồn cốt để xác lập giá trị của khu làng mới. Hơi hướng kiến trúc làng quê hoặc các vùng kẻ chợ ở thời Trần là như thế nào dường như không còn dấu tích gì. Còn lại ít ỏi các dấu tích lại là mấy ngôi cổ tháp rải rác ở dọc cánh cung Yên Tử và vùng Thiên Trường, Nam Định hoặc mấy chục viên gạch men có hình hoa cúc lát quanh chân tháp Hoa Yên ở Yên Tử, TP. Uông Bí. Vậy thì từ vóc dáng đến nội dung cái làng quê tưởng tượng đó, các kiến trúc sư có hiểu biết về lịch sử, lại có tâm hồn của người nghệ sĩ mới hình dung ra được. Và công trình làng đã hình thành, đã đưa vào sử dụng được non 2 năm nay. Xin các bạn hãy đến thăm! Nói là cái cửa sổ ngôi nhà này là của thời Trần, cái bánh gai bày bán kia là của thời Trần thì không có cơ sở, nhưng cảm giác phảng phất cái hơi hướng thời Trần ở đây thì lại rất rõ ràng. Một thứ rất mỏng manh và rất mơ hồ thì ta lại cảm nhận được, đó là cái hay của riêng Yên Tử mà tôi không thấy có ở bất cứ nơi đâu, kể cả cái hương vị Rượu Mơ Yên Tử - đặc sản quả của Yên Tử lại chế biến cũng theo kiểu riêng của Yên Tử, tôi tin các bạn chỉ cần nhấp một chén sẽ nhận ra ngay.
Làng mang đậm kiến trúc đời Trần với tường đất trình, mái ngói âm dương, có chợ quê ngay trong làng với các vật dụng đậm nét quê hương. Du khách có thể thoải mái mua sắm các sản vật địa phương hoặc thư thái thưởng thức các làn điệu quan họ, xẩm, chầu văn ngay dưới mái đình cổ kính…
Đi đâu mà vội mà vàng, xin các bạn hãy nhớ câu ca này, nghĩa là đến Yên Tử trong tâm thế thong dong, “chầm chậm tới mình”, vừa đi vừa ngẫm nghĩ và tĩnh dưỡng, bạn sẽ thẩm thấu được rất nhiều điều. Hãy nói về suối Giải Oan mà tiếng nước chảy của nó rì rào không ngớt sau các ngôi nhà nho nhỏ vừa phải, thậm chí chảy róc rách ngay dưới chân tường của các ngôi nhà cao bề thế vừa được dựng lên vài năm gần đây, xin bạn đừng tin có tròn 100 cung nữ đã tự vẫn ở đây. Vừa rồi Đài THVN đã nói tròn 300 cung nữ tự vẫn rồi. Không biết lần sau số lượng cung nữ tự vẫn có nâng lên nữa không? Đó là trò bịa tạc đã thành thói quen của mấy nhà viết sử mà tôi gọi là “sử thổ phỉ” để kiếm tiền. Không có cung nữ nào chết ở đây cả. Vua Trần Nhân Tông đến đây tu sau khi đã tu nhiều năm ở Ninh Bình. Vua đến đây để tu khổ hạnh, ngày nhịn ăn uống, đêm ít ngủ để thẩm thấu lẽ đời, đến mức đệ tử của Ngài phải khuyên Ngài ăn uống kẻo nguy đến tính mạng, có cung nữ nào đi theo đâu. Nếu có cung nữ nào theo vua thì theo vua đến Ninh Bình những lần đầu vua rời bỏ Kinh thành. Mà Ninh Bình có ai nói cung nữ đi theo rồi chết vì tự vẫn đâu. Trong các dãy chùa lớn, sau chùa Trình đều có chùa Giải Oan, theo thuyết lý nhà Phật là giải các oan khuất của kiếp người, của kiếp này, của cõi tạm, mà siêu thoát như chùa Hương chẳng hạn, có chùa Giải Oan đó thôi, có ai chết tự vẫn để thành nỗi oan đâu. Ngay làng Mụ, làng Nương dưới chân núi Yên Tử mà theo “sử thổ phỉ” là nơi vua Trần Nhân Tông dựng cho các cung nữ ở cũng là chuyện bịa tạc. Nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập về nhà Trần đã hỏi Bí thư Đảng ủy xã Thượng Yên Công nơi sở tại, ông Bí thư phì cười mà rằng, lại nghe tin đồn từ các vị tuyên truyền ở ngoài kia phải không? Làm gì có chuyện đó. Mấy trăm năm nay, xã toàn người Dao ở, làm gì có công nương cung phi nào.
Đấy, sự thật là thế. Vậy nghe tiếng suối Giải Oan, có hiểu thế, tâm hồn bạn mới thư thả mà thẩm thấu được cái hay rất hư huyển của vùng rừng Phật núi Tiên này. Các bạn hãy vào các quán ăn, các nhà hàng mua sắm, chơi các trò thư giãn dân gian, ngủ đêm trong các gian nhà gỗ trông cũ kỹ xa xưa... nhưng tiện nghi như khách sạn 5 sao... Bạn sẽ thấy làng hành hương này không phô trương sự hoành tráng và loè loẹt màu thị trường như ở một vài nơi khác mà tôi đã đến, đã biết. Ở đây, “Làng hành hương thời Trần - Yên Tử” - rất xứng đáng để bạn đến, mà lắng nghe, mà thêm hiểu biết, mà thêm thu nhận những giá trị mà ở những nơi khác không thể có được.