Hà Nội

Hãy trả lại tên cho... thư pháp

03-03-2017 14:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ lâu thư pháp đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật của người Việt.

Từ lâu thư pháp đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật của người Việt. Có lẽ không cần nói thêm nhiều về vẻ đẹp cũng như giá trị của thư pháp, nhưng gần đây, một số biến tướng của môn nghệ thuật này đã khiến giới nghiên cứu văn hóa và công chúng tỏ thái độ bất bình.

Thư pháp trong đời sống nghệ thuật

Theo ghi chép, thư pháp chữ Việt bắt đầu từ thư pháp chữ Hán, trong thời kỳ Bắc thuộc, người Hán đã truyền bá văn hóa và cả chữ viết vào nước ta, trong đó có cả nghệ thuật thư pháp, trải qua hàng nghìn năm, thư pháp chữ Hán tại nước ta đã phát triển rộng rãi. Đến khi chữ Quốc ngữ ra đời dần thay thế cho chữ Hán thì thư pháp chữ Quốc ngữ từ đó cũng được hình thành.

Ngày nay, thư pháp chữ Việt dễ dàng thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tự do sáng tạo không ràng buộc trong khuôn khổ như chữ Hán. Phong trào thư pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ trong cả nước, nhiều câu lạc bộ thư pháp được ra đời tạo thêm sân chơi mới cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thanh thiếu niên rất đam mê môn nghệ thuật này. Nhiều cuộc triển lãm về thư pháp cũng giúp ích cho việc sáng tạo và phát triển không ngừng của môn nghệ thuật truyền thống này, giúp thư pháp đi sâu vào đời sống thực tại.Nghệ thuật luôn khuyến khích sự sáng tạo nhưng không chào đón cái gọi là “sáng tạo” như thế này.

Nghệ thuật luôn khuyến khích sự sáng tạo nhưng không chào đón cái gọi là “sáng tạo” như thế này.

Thư pháp chữ Việt hiện có 5 kiểu chữ chính: chữ chân phương, chữ cách điệu, chữ cá biệt, chữ mô phỏng, chữ mộc bản. Nhìn chung, các kiểu chữ đều có tính biểu cảm, xuất phát từ bản tính của người Việt, trọng tình cảm, hiền hòa, linh hoạt, nét bút khoan thai, bay bướm, không câu nệ, khuôn sáo. Các chất liệu làm nền cũng phong phú hơn: giấy dó, giấy lụa, mành tre, bia đá... Giờ đây, đi đến đâu trên dải đất hình chữ S chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tác phẩm thư pháp: biển hiệu, tiêu đề trên bao bì của một số loại sản phẩm, trên bìa sách, trong đền chùa, trong các quán cà phê,...

Tuy nhiên, là chữ La-tinh, không phải chữ tượng hình như chữ Hán nên thư pháp Việt khó biểu đạt được tâm ý và nội dung câu chữ, chính vì vậy người viết thường cố tình tạo nên những tác phẩm mang hình ảnh cần biểu đạt mà dễ làm mất đi cấu trúc chính của chữ khiến người xem khó đọc. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay tràn lan người bán chữ, thư pháp không biết từ bao giờ đã trở thành công cụ để kinh doanh. Các khu chợ, vỉa hè... tập trung đông người là nơi thỏa sức “sáng tạo” và buôn bán nghệ thuật. Những biến tướng của thư pháp cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây.

Nỗi lo biến tướng

Cách đây chưa lâu, giới nghệ thuật rộ lên cái gọi là “thư pháp sexy”. Cụ thể, người tạo ra sản phẩm này sử dụng đường cong trên cơ thể phụ nữ để tạo chữ, gây chú ý trong cộng đồng mạng. “Thư pháp sexy” là tên gọi mà cư dân mạng đặt cho những bức thư pháp lạ mắt với nét phác thảo những cô gái trong các tư thế ngồi, nằm khác nhau. Thậm chí, những câu chúc năm mới thường thấy trên thư pháp thông thường như: Chúc mừng năm mới, Thịnh vượng an khang cũng được thể hiện lại theo một phong cách mới mẻ: gợi cảm và hiện đại. Sự hưởng ứng của một bộ phận cư dân mạng khi họ tỏ ra thích thú, thán phục tài năng của tác giả là một phần tạo “động lực” để “thư pháp sexy” có dịp nở rộ.

“Thư pháp sexy” đã và đang gây ra một cuộc tranh luận ở mức độ không hề nhẹ. Hầu hết giới chuyên môn đều kịch liệt phản đối thể loại này, họ cho rằng đây là sự sáng tạo không đúng chỗ. Lâu nay, nói đến thư pháp là người ta hình dung về sự thanh tao, bởi vậy đem hình ảnh những cô gái lả lơi vào thư pháp đồng nghĩa với việc làm hoen ố, “dung tục hóa” nghệ thuật.

Nếu chúng ta coi thư pháp là nghệ thuật thì người viết thư pháp phải thể hiện được tài năng, tâm hồn, phong cách và thể hiện cái riêng của mình ở đó. Thư pháp là cách thức thể hiện tâm trạng và cảm xúc của người viết thông qua con chữ, không chỉ đơn thuần chữ đẹp, được viết bằng cọ gọi là thư pháp. Theo lời nhiều nghệ nhân thư pháp, ngày xưa, người viết thư pháp thường là những bậc danh sĩ, những ông đồ già, những vị tu hành. Ngoài viết chữ đẹp ra, họ còn là những người hiểu biết uyên thâm, đức độ. Nhưng ngày nay, thư pháp ngày càng thương mại hóa, người ta viết thư pháp như phong trào, như là một thứ mốt thời thượng, thậm chí nhiều người viết thư pháp để khoe khoang...

Cũng theo một nhà nghiên cứu văn hóa, thư pháp là một khoa học, có cách thức, phép tắc, quy cách chặt chẽ. Dù người viết thư pháp có sáng tạo thế nào thì cũng không thể vượt ra ngoài cái pháp đó. Cần nhấn mạnh một lần nữa, thư pháp đã trở thành một môn nghệ thuật dùng để thể hiện tâm tư tình cảm của con người, chứa đựng giá trị truyền thống dân tộc mang tính chất giáo dục. Vì thế, những bức hình thư pháp không theo phép tắc, khuôn phép đều đáng bị lên án. Xin đừng lạm dụng hai chữ sáng tạo để tạo ra những sản phẩm phản khoa học, phản nghệ thuật, phản giáo dục.


Nam Phương
Ý kiến của bạn