Thời thơ ấu đầy ắp cảm xúc và sắc mầu
Khi những tiếng trống trường cuối cùng vang lên một hồi dài và nghe nhỏ đi dần đều khắp ở các trường trong vùng Thành Nội Huế, báo hiệu kết thúc một năm học. Khi các cô cậu học trò lao nhao còn nán lại trong sân trường để chứng kiến các màn xổ số cuối cùng kết thúc năm học, đứa nào cũng ao ước được trúng giải độc đắc với chiếc xe đạp mới toanh nằm trên cái bục gỗ kê giữa sân trường. Đó cũng là thời điểm các cô cậu học trò thấy sướng nhất, đã nhất trong suốt một năm chăm chỉ học hành, hàng loạt trò chơi vào mùa hè được lên khuôn một cách nhanh chóng, đứa nào cũng háo hức vì sắp được vui chơi thỏa sức suốt cả ba tháng hè.
Những trò chơi dân gian cộng đồng, không tốn tiền, không cần đầu tư nhiều hầu như đều có mặt trong một ngày nô đùa của đám trẻ con Thành Nội Huế, như trò chơi ô làng - ô ăn quan, tán lon, tán các ảnh giấy cứng, tán tiền đồng xu, bịt mắt bắt dê, chơi trốn tìm, chơi bắn súng trái muối, bắn ná với giấy vo cứng, cò cò, nhảy dây, bắt chuồn chuồn, bắt dế, câu cá, bắn chim, chạy tắm mưa…không thể đếm cho xuể các trò chơi. Chung qui lại và đặc điểm nổi trội nhất là, hầu như trò chơi nào cũng mang tính bầy đàn, đầy tính cộng đồng và phân công xã hội.
Các trò chơi thường diễn ra vào các tháng nóng gay gắt của đợt nghỉ hè tầm đầu tháng 6 đến giữa tháng 8. Đứa nào cũng mong trời mau sáng, cứ mong một ngày mới lại đến để bắt đầu không biết bao nhiêu trò chơi. Cứ sợ hết đi các ngày nghỉ hè, chơi chơi vội vàng và say sưa như chưa bao giờ được chơi.
Ban ngày, thường có các trò chơi đi xa hơn một chút và tỏa ra xung quanh các vùng Thành Nội Huế, trong số đó phải kể đến thú đi câu cá.
Đi câu cá, thường bầy trẻ nhỏ đi men theo các hồ quanh thành ngoài Đại Nội Huế, hoặc vào tọa thiền tại Hồ Tịnh Tâm Huế. Cả bầy trẻ vác cần câu đủ các kiểu, lon mồi giun đào bắt dưới các lu hay bể nước ẩm mát, mang áo mi zô hay ở trần, kéo nhau đi cả đoàn. Tìm nơi thích hợp là tọa thiền và đặt cần câu ngồi đợi ngay giữa mùa sen nở thơm ngào ngạt.
Cảm giác nhớ đời và vô cùng sung sướng khi nhìn thấy phao trồi lên trụt xuống trên mặt nước, nhấc cần câu thấy nằng nặng dưới tay là y chang cá đã cắn câu, giật mạnh xoay cần câu lên bờ, nhào đến tóm lấy chú cá vừa mắc câu vùng vẫy trên đám cỏ. Cảm giác hả hê pha lẫn tự hào với đám bạn câu ngồi xung quanh, phấn khích một cách lạ lùng. Cảm giác đó mãi đi theo năm tháng khi chúng lớn lên. Có thể bây giờ có nhiều trò chơi phấn khích hiện đại ra đời, nhưng chắc gì có được cái cảm giác đã đời rất tự nhiên giữa trời đất mênh mông ấy.
Trời chiều cũng vừa đến, mặt trời chuẩn bị lặn ở hướng Tây, chiều buông xuống trong Thành Nội Huế đẹp vô cùng. Cả lũ trẻ kéo nhau trở về nhà, chưa kịp vệ sinh tay chân đã sà vào mâm cơm tối dưới các nóc nhà hong nắng cả ngày, đang hứng lấy gió nồm buổi chiều và đợi chờ màn đêm buông xuống. Trò chơi vẫn chưa kết thúc với đám trẻ con. Ăn cơm xong là chúng í ới gặp nhau bằng được để soạn ra các trò chơi thuộc về ban đêm. Có thể kể ra đây trò chơi nhớ đời - Chơi trốn tìm.
Có lẽ đây là thú chơi đơn giản nhưng đầy ấn tượng, có lẽ bất cứ đứa con nít nào cũng đã dự chơi nhiều lần. Sau một hồi oẳn tù tì, tìm ra được đứa thua đứng che mắt vào gốc cây, cột điện hay bức tường nào đó và bắt đầu bài chú quen thuộc 'năm, mười, mười lăm…', cả lũ trẻ còn lại di tản nhanh chân tìm nơi ẩn núp. Ngặt một nỗi, chỗ ẩn núp của lũ trẻ thời đó là ngoài trời, không phải trong nhà, nơi ẩn núp là giữa các vồng khoai, vồng cà, trong khu vườn rộng, giữa các lùm cây đầy bí ẩn…không dễ để tìm ra. Cái cảnh hấp dẫn của trò chơi là, đứa đọc chú xong vừa quan sát tìm ra đối phương, vừa thấy vừa đọc tên vừa chạy tốc hành đến đập bàn tay vào nơi quy định thắng và hô to "mạng" trước khi đối phương chạy kịp tới đích, dù đôi khi cảnh chạy đua chỉ hơn nhau vài bước chân, lại vừa sợ hở sườn để đứa khác chạy tới đập bàn tay lên vùng quy định thắng. Hiểm một nỗi, đây là trò chơi mang tính bầy đàn, cả con trai và con gái cùng chơi, và cũng không kém phần mưu mẹo, lũ trẻ ra dấu phân công với nhau giương đông kích tây để đánh lừa kẻ đi tìm như rung cây, ném viên đá nhỏ đánh lạc hướng chẳng hạn… nhân cơ hội đó, có đứa lòn lưng chạy về đích trước. Thật không may bữa đó, có đứa cứ phải 'năm mười…'mãi, cho đến tối khi trò chơi tan cuộc trong ấm ức và bất lực.
…Và còn nhiều trò chơi khác của lũ con nít diễn ra trong màn đêm bao dung và che chở cho chúng.
Nhưng không sao, chúng vẫn còn nhiều cơ hội chơi cho đã các trò chơi suốt ba tháng nghỉ hè không cần ngó ngàng đến sách vở, không phải học thêm văn hóa, không phải học các chương trình kỹ năng sống như các đứa trẻ thời hiện đại bây giờ. Cha mẹ cũng quản lý chúng ở mức vừa phải trong suốt ba tháng nghỉ hè. Không biết bọn trẻ con thời ấy có hạnh phúc và sung sướng hơn những đứa trẻ bây giờ hay không?
Những bài học tự nhiên đầy vui sướng
Bây giờ ngồi nghĩ lại những năm tháng tuổi thơ ở Thành Nội Huế thời xa xưa ấy, có thể nhận ra một số điều cần phải suy nghĩ:
Cứ đến kỳ nghỉ hè, dù thiếu thốn đủ điều trong những năm tháng chiến tranh, nhưng không ai cản ngăn và kìm hãm cái sung sướng tự nhiên của lũ trẻ. Chúng được chơi thỏa thích những trò chơi thuộc về thế giới trẻ thơ. Chúng không than van, trách móc sự thiếu trước hụt sau đối với người thân xung quanh, ngược lại chúng còn thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Chúng chẳng phân biệt đứa nào giàu, đứa nào nghèo, miễn là được cùng nhau chơi trong say sưa giữa trời đất thênh thang ấy.
Qua 3 tháng hè lũ trẻ được vui chơi thỏa thích. Cũng có thể nhận ra bài học đầu đời của lũ trẻ thời ấy là bài học bầy đàn mang tính cộng đồng và phân công xã hội, khi cùng nhau chơi các trò chơi tập thể và đầy tương tác. Có phải bây giờ người ta đưa ra các chương trình dạy làm việc nhóm hay tương tác xã hội để dạy cho các trẻ em? Té ra, ngay vào cái thời thiếu thốn và chiến tranh loạn lạc ấy, lũ trẻ đã được diễm phúc học các bài học này ngay từ những ngày đầu của cuộc sống và kéo dài trọn vẹn cả 3 tháng nghỉ hè mỗi năm tuổi thơ.
Bọn trẻ thời ấy khác biệt hẳn bây giờ, chúng nghỉ hè suốt ba tháng hè đúng nghĩa, không phải sờ tới sách vở cho đến ngày gần khai trường, chúng không phải đi học thêm các môn học trong cả ba tháng hè, chúng không phải đi học các lớp rèn luyện kỹ năng sống các lớp rèn luyện kỹ năng mềm. Té ra, chúng đã được học những bài học ấy hàng ngày như cơm ăn nước uống có trong các trò chơi dân gian và các bài học đến với chúng một cách tự nhiên, không gò ép, không khiên cưỡng. Các bài học kỹ năng sống đã thấm vào các đứa trẻ một cách tự nhiên, các bài học đi tận vào giấc ngủ của chúng, hun đúc và hình thành nên nhân cách, hình thành nên các giấc mơ đẹp, hình thành nên các hoài bão lớn lao cho lũ trẻ giữa thời gian khó.
Qua 3 tháng nghỉ hè, trong quá trình tương tác của lũ trẻ, gồm cả đấu tranh và đồng thuận, đã tạo nên một ý chí vượt khó cho lũ trẻ ngày ấy. Sau này khi vào đời, có lúc thăng trầm, có lúc khó khăn hay thuận lợi, có lẽ lũ trẻ được tôi luyện vào thời ấy đủ sức đề kháng, bản lĩnh, ý chí và mềm dẻo để đạt được các mục đích cao cả trong cuộc sống.
Khi lớn lên, đôi khi có những khó khăn ập tới ngoài mong muốn, chính tuổi thơ sống ngây ngô, bầy đàn, mang tính xã hội đã cho lũ trẻ những bài học đầu đời giúp chúng mạnh mẽ, sáng suốt và kiên trì đi tìm ra con đường đơn giản nhất, tìm ra cách đồng thuận nhất, tìm ra cơ hội tốt nhất trong vô vàn thách thức, tìm ra lối cửa mới và chọn lấy con đường phù hợp nhất dành riêng cho chúng.
Ngẫm lại, còn nhiều bài học rút ra từ những năm tháng sống và vui chơi của lũ trẻ Thành Nội Huế thời xa xưa ấy, chắc không kể hết được! Nhưng giờ đây, bài học cần rút ra đó là: Hãy trả lại tuổi thơ hồn nhiên suốt 3 tháng nghỉ hè cho các em học trò nhỏ!
Mời xem video được quan tâm:
Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão (1)