Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Giám đốc Viện Dinh dưỡng quốc gia: mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) nhưng hiện nay Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi); tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ, đặc biệt ở phụ nữ có thai ở mức cao; tỉ lệ bao phủ muối iod xuống mức thấp… Thiếu VCDD sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ và khả năng miễn dịch của trẻ.... Bởi vậy, công tác phòng chống thiếu VCDD cho trẻ em vẫn luôn là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực để bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Lễ phát động Ngày VCDD toàn quốc 2016
Trong những năm qua, ngày VCDD được tổ chức thường niên vào ngày 01-02/6 trên toàn quốc với các hoạt động như: Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 06 - 36 tháng tuổi (41 tỉnh) và trẻ có nguy cơ thiếu VCDD cao (trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp, trẻ bị sởi), trẻ từ 06-60 tháng được bổ sung vitamin A liều cao và trẻ từ 24 - 60 tháng được uống thuốc tẩy giun (22 tỉnh khó khăn), bà mẹ sau sinh trong vòng 01 tháng được uổng bổ sung 01 liều vitamin A ở 63 tỉnh thành phố; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống VCDD và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Năm nay, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tổ chức cho trẻ uống bổ sung vitamin A đợt 1/2016 trong ngày VCDD trên toàn quốc.
PGS.TS Lê Danh Tuyên, giám đốc VDD quốc gia phát biểu tại Lễ phát động.
Một nét mới trong công tác phòng chống thiếu VCDD của năm nay, đó là để tăng cường tính trách nhiệm của công đồng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tăng cường VCDD vào thực phẩm, ngày 28/6 Thủ tướng chính phủ đã kí Nghị định số 09/2016/NĐ – CP, trong đó qui định 4 VCDD bắt buộc phải tăng cường vào thực phẩm, theo đó: muối ăn và sử dụng trong chế biến phải được tăng cường iod; bột mì tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường virtamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp. Ngày 15/3 Bộ trưởng Y tế đã kí Quyết định 852/QĐ-BYT ban hành kế hoạch triển khai thi hành Nghị định này.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho trẻ nhỏ bổ sung vitamin A.
Tới tham dự và phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá cao những kết quả của công tác phòng chống thiếu VCDD nói chung và vitamin A nói riêng đã góp phần giảm tỉ lệ SDDTE xuống mức 14,1% thể nhẹ cân và 24,4% thể thấp còi hiện nay, đạt mục tiêu Thiên niên kỉ về giảm tỉ lệ SDDTE thể nhẹ cân trước 3 năm so với kế hoạch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị ngành y tế các địa phương hướng dẫn và triển khai các hoạt động Ngày VCDD có hiệu quả như bổ sung vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi và trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A, phụ nữ sau sinh trong tháng đầu. Các địa phương cần tăng cường công tác GDTT, nâng cao kiến thức của người dân về thực hành dinh dưỡng, xây dựng bữa ăn cân đối, hợp vệ sinh.
Cho bà mẹ bổ sung vitamin A tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.
Hưởng ứng “Ngày vi chất dinh dưỡng”, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cũng diễn ra một số hoạt động như: cho các bà mẹ mới sinh con bổ sung vitamin A tại Khoa Sản và cho trẻ nhỏ có nguy cơ bị thiếu VCDD bổ sung vitamin A tại Khoa Nhi.
Cho trẻ nhỏ bổ sung vitamin A tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.
Được biết, hiện nay tại Hà Nam có hơn 51.000 trẻ từ 06 - 36 tháng và gần 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ được uống bổ sung vitamin A liều cao; trong 6 tháng qua có gần 9000 bà mẹ sau sinh được uống bổ sung vitamin A liều cao để cung cấp cho trẻ dưới sáu tháng tuổi qua sữa mẹ. Nhờ công tác bổ sung VCDD được chú trọng nên tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh đã được cải thiện: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tỉnh Hà Nam ở mức thấp hơn so với tỉ lệ chung của toàn quốc, cân nặng/tuổi là 13,5%, chiều cao/tuổi là 23,4%.
Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường VCDD; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên Sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi.