Các nhà khoa học cho biết: Cơ thể bắt đầu từ 21 giờ cần được thư giãn và nghỉ ngơi, và một giấc ngủ say sẽ giúp cho cho cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn, giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Đi ngủ từ 21 - 22 giờ mỗi ngày, thức dậy lúc 5 - 6 giờ sáng và duy trì nhịp sinh học này giúp bạn có được sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái, đồng thời còn phòng ngừa được nhiều bệnh tật và nguy cơ béo phì.
Ngoài ngủ đủ giấc vào ban đêm như vừa kể, nên có những thời gian thư giãn ngắn trong giờ làm việc. Như sau mỗi 45 phút - 1 giờ làm việc, bạn nên dành ra 5 phút nghỉ ngơi, sức khỏe của bạn sẽ tốt hơn.
Thường ngủ say có thể xem là sự nghỉ ngơi tốt nhưng những lúc nằm, ngồi, thậm chí là đứng không ngủ chỉ để nghỉ ngơi, nghỉ ngơi đó có thật sự đúng cách hay không?
Tôi mới đọc một bài viết đăng trên tạp chí trên mạng Lion’s Roar. Bài viết bằng tiếng Anh với tựa đề: “Rest in the river” (Nghỉ ngơi trong dòng sông). Nhờ đọc bài viết mà tôi thấu hiểu sự nghỉ ngơi đúng nghĩa. Xin trích dịch một số đoạn của bài viết, mời quý bạn đọc thưởng lãm.
Như hòn sỏi chìm xuống lòng sông
Mở đầu bài viết, tác giả mô tả cảnh một người ném hòn sỏi vào một dòng sông. Hòn sỏi bay qua không khí, rớt xuống chạm vào mặt nước và bắt đầu chìm từ từ xuống lòng dòng sông. Hòn sỏi chìm từ từ mà không cần nỗ lực, gắng sức nào cả. Khi chạm mặt đáy sông, hòn sỏi nằm im, nghỉ ngơi và để nước cứ thế trôi qua nó.
Tác giả viết: “Tôi cho rằng hòn sỏi chìm xuống nước xuống đáy sông theo chiều dài ngắn nhất vì tự rơi mà không cần sự gắng sức nào cả. Xin các bạn khi ngồi thiền, hãy cư xử nghỉ ngơi như hòn sỏi.
Chúng ta hãy thả lỏng để chìm xuống một cách tự nhiên mà không gắng sức để ý đến tư thế ngồi ngơi nghỉ của mình. Nghỉ ngơi thật ra là một cách tu tập hết sức quan trọng; chúng ta nên tu tập thực hành nghệ thuật nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi nên xem là phần tu tập đầu tiên của đạo Phật. Các bạn nên để thân và tâm mình nghỉ ngơi. Thân tâm chúng ta rất cần nghỉ ngơi đúng cách.
Đối với nhiều người trong chúng ta, không biết làm gì để nghỉ ngơi đúng cách. Chúng ta luôn luôn nỗ lực, gắng sức; nỗ lực vì thế trở thành một thói quen tai hại. Chúng ta không thể chống lại thói quen phải hoạt động, nỗ lực suốt cuộc đời chúng ta. Chúng ta nỗ lực, gắng sức kể cả trong giấc ngủ.
Điều hết sức quan trọng là ta phải thấu hiểu rằng mình có thói quen tai hại là nỗ lực. Chúng ta phải nhận ra ngay thói quen này khi nó biểu lộ, vì khi chúng ta nhận ra nó, lập tức nó sẽ mất năng lượng và không còn bắt chúng ta phải nỗ lực nữa. Chúng ta phải tu tập để chuyển hóa tiêu trừ thói quen đó trong chúng ta. Bởi vì thói quen nỗ lực lâu ngày trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ hình thành nên hành vi, thái độ con người chúng ta vào bất cứ lúc nào, kể cả nghỉ ngơi…”.
Sự “lao xao” có hại
Tác giả viết: “Trong chúng ta có sự hiện diện của năng lượng được gọi là năng lượng của “sự lao xao” (restlessness). Chúng ta không thể nào bình yên với chính chúng ta. Chúng ta không thể ngồi hay nằm xuống với trạng thái bình yên. Loại năng lượng này trong chúng ta làm ta lao xao, không nghĩ cái này cũng nghĩ đến cái khác, và nó làm cho chúng ta khổ não.
Đó là lý do hết sức quan trọng là đầu tiên phải thấu hiểu cách giúp cơ thể ta nghỉ ngơi đúng cách. Chúng ta phải biết cách xử trí với năng lượng của sự lao xao để cho phép thân tâm nghỉ ngơi đúng cách”.
Tác giả đã viết về sự lao xao. Chính sự lao xao này có thể làm cho người ta mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Rộng hơn, tác giả đã viết về sự cần thiết của sự thấu hiểu cách giúp thân tâm ta nghỉ ngơi đúng cách để tránh lao xao.
Tôi nghĩ, sự nghỉ ngơi đúng cách đó không khác gì thiền. Vì thiền chính là sự tự do giải thoát từ bất cứ động cơ nào của thèm muốn, sợ hãi lo âu, sầu hận, xung đột triền miên trong tâm thức. Rõ ràng khi tâm ta bất an do sự lăng xăng, bép xép của tâm lý do cứ hướng về quá khứ, tương lai thiền là chấm dứt vọng niệm, chứng nghiệm hiện tiền để buông xả trọn vẹn.
Hãy sống ngay ở đây và vào lúc này
Tác giả viết: “Đức Phật đã nói hoàn toàn có thể cảm thấy bình yên hạnh phúc vào giây phút hiện tại. Trong hiện tại, khi thân và tâm ta hòa làm một, khi đó ta có thể chạm được bình yên hạnh phúc. Nếu ta tìm cách chạy trốn khỏi hiện tại, với hy vọng tìm thấy bình yên hạnh phúc trong tương lai, ta có thể thấy khổ não thôi.
Đức Phật cũng đã nói, cuộc sống đích thực là ở ngay đây và vào lúc này, khi ta sống vào giây phút hiện tại là ta trở về ngôi nhà vốn có của mình. Ngôi nhà thật sự của ta chính là “ở đây và bây giờ”. Sống trong ngôi nhà hiện tại ta mới thật sự sống và những gì ta cần tìm đều ở ngay nơi đây, vào lúc này…
Trong ta có một loại năng lượng giúp thân và tâm hòa nhập với nhau. Năng lượng đó được gọi là “sự tỉnh thức” (mindfulness). Tỉnh thức có khả năng giúp thân tâm hòa nhập làm một.
Nghỉ ngơi, thậm chí ngồi thiền mà không nỗ lực, gắng sức gì cả. Chỉ nghỉ ngơi như hòn sỏi nằm ngơi nghỉ dưới dòng sông. Khi ngồi hãy nghỉ ngơi, khi đi hãy nghỉ ngơi. Đức Phật đã nói: “Tu tập của tôi chính là thực hành sự không tu tập” (My practice is the practice of non-practice). Câu nói của Ngài hàm ý sâu xa lắm. Hãy từ bỏ nỗ lực. Chỉ cần có mặt và nghỉ ngơi…”