Hà Nội

Hãy luôn đặt câu hỏi với sức khoẻ của chính mình

BS. Trần Quốc Khánh

BS. Trần Quốc Khánh

07-12-2021 07:34 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Mẹ một người bạn của tôi đến khám vì đau vùng cột sống ngực lan vai phải. Qua chụp chiếu khảo sát hầu như cột sống chưa thấy tổn thương gì đặc biệt.

Cảm nhận của tôi là bà đau bỏng rát, đau quá mức, không giống bệnh cảnh của cột sống. Cẩn thận tôi gửi đi khám bệnh viện chuyên về phổi cũng như khám thêm chuyên khoa tim mạch lồng ngực.

Kết quả: Bà bị một khối u phổi rất lớn xâm lấn thành ngực phải, chính tổn thương đó đã làm bà đau đớn và mất ngủ hằng đêm.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm khám, tư vấn và chữa trị cho bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy có rất nhiều vấn đề về sức khoẻ cộng đồng...Để thêm một góc cung cấp thông tin cho độc giả, Báo Sức khoẻ & Đời sống xin giới thiệu bài viết của bác sĩ Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức như một lời nhắn gửi thân thương đến độc giả "Hãy luôn đặt câu hỏi với sức khoẻ của chính mình"

Một bệnh nhân nữ gần 30 tuổi từ Nam Định cũng đến khám  vì nhưng cơn đau dọc cột sống. Bệnh nhân mô tả cơn đau từ vùng lưng thấp dội lên cổ, buốt cả óc, đi điều trị nhiều nơi không đỡ.

Qua thăm khám-xem phim chụp cột sống thực sự chưa thấy tổn thương gì đặc biệt. Tôi có hỏi thêm về bệnh lý phụ khoa, bệnh nhân khai gần đây có đặt vòng tránh thai và triệu chứng đau cột sống xuất hiện loanh quanh từ ngày đó.

Tôi lại gửi bệnh nhân đi khám thêm về sản phụ khoa, kết quả cho thấy dụng cụ tránh thai bị viêm nhiễm và phản ứng. Bệnh nhân được tháo bỏ vòng tránh thai, chỉ ngày hôm sau sự thoải mái dễ chịu đã được bệnh nhân cảm nhận thấy rõ ràng, cơn đau buốt dọc vùng lưng thấp dội lên cổ cũng không còn nữa.

Lại nữa, bố một người bạn sống trong cùng khu với tôi, suốt thời gian dài đi điều trị thuốc nam-châm cứu -tiêm chọc vì một khối thoát vị đĩa đệm rất nhỏ ở lưng, mãi vẫn không đỡ nên con trai đưa đến gặp tôi.

Qua thăm khám mọi triệu chứng đều không hợp lý cho nguyên nhân thoát vị đĩa đệm ở trên. Xoay khớp háng bệnh nhân đau buốt, tôi chỉ định bệnh nhân đi chụp thêm Xquang khung chậu và kết quả, ông bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên. Ông được đưa về BV Việt Đức phẫu thuật, lần lượt thay hai khớp háng. Hiện ông gần như không còn đau đớn và đã dần đi lại ổn định. Và quan trọng nhất là ông đã có thể ngủ yên mỗi đêm vì không còn cơn đau nhức hành hạ.

Một bệnh nhân 65 tuổi ở Long Biên, chỉ một thời gian ngắn trước còn đi chơi gôn, rồi đột ngột anh xuất hiện cơn đau lưng dữ dội và sớm rối loạn đại tiểu tiện, vào chụp chiếu tổn thương làm mọi người choáng váng, ung thư xấm lấn di căn đến hầu hết các đốt sống lưng, tổn thương phá huỷ đến mức lúc phẫu thuật cố định các bác sĩ phải bắt vít cố định vào xương chậu vì không còn "đất" để bắt vào các thân đốt sống cuối.

Hình ảnh tổn thương trong mổ của anh đã ám ảnh tôi vô cùng. Tại sao một người có điều kiện, hiểu biết, sống ở trung tâm Hà Nội lại để câu chuyện đó xảy ra?

Qua những câu chuyện này, tôi mong muốn gửi gắm đến anh chị độc giả một thông điệp quan trọng với sức khoẻ của mình:

Ai cũng vậy, xin hãy chủ động đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm, vì bất cứ ai cũng có thể bị bệnh và mỗi lứa tuổi sẽ có những mặt bệnh khác nhau. Xin đừng ai nghĩ rằng những câu chuyện tôi chia sẽ ở trên là ở xa xôi đâu đó, không phải của mình, biết đâu một ngày nào đó, đây lại chính lại là câu chuyện của cuộc đời mình.

➢ Với chúng ta, mỗi vùng trong cơ thể luôn luôn có nhiều các cơ quan bộ phận khác nằm cạnh nhau hoặc có liên quan đến nhau. Vậy nên khi có bất kỳ một dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào, chúng ta luôn cần cẩn thận đi kiểm tra đầy đủ cho đến khi thấy bệnh "hợp lý" với triệu chứng thì thôi.

Tôi sẽ liệt kê ra đây để quý độc giả cùng tham khảo:  

  • Đau đầu: Cơ bản cần khám chuyên khoa thần kinh để chụp não, mạch não, điện não, hoặc xét nghiệm, chọc dịch não tuỷ. Khám tai mũi họng loại trừ bệnh lý viêm nhiễm, u cục, dị tật vùng tai mũi họng. Khám cột sống cổ để loại trừ nguyên nhân đau đầu có nguồn gốc từ bệnh lý cổ. Khám răng hàm mặt để loại trừ bệnh lý răng miệng cũng kích thích gây đau đầu…
  • Đau vùng ngực: Cần khám chuyên khoa tim mạch-lồng ngực để loại trừ bệnh lý mạch vành, bệnh lý tim, bệnh lý phổi, bệnh lý động mạch chủ ngực và trung thất. Khám chuyên khoa tiêu hoá để nội soi loại trừ bệnh lý thực quản-trào ngực dạ dày. Khám thần kinh cột sống loại trừ bệnh lý cột sống ngực-viêm dây thần kinh liên sườn. Khám sản phụ khoa để loại trừ bệnh lý hai vú….
  • Đau vùng bụng: Cần siêu âm kỹ vùng bụng, nội soi đường tiêu hoá, khám thận tiết niệu, khám sản phụ khoa, khám cột sống thắt lưng, khảo sát động mạch chủ bụng…để tìm ra tổn thương phù hợp.

➢ Mỗi người khi có triệu chứng bất thường cần đi khám sớm nhất có thể, và trước khi đi khám cần tìm hiểu các chuyên khoa xem mình nên ưu tiên đi khám chuyên khoa nào trước.

➢ Sẽ không có người thầy thuốc nào toàn diện và  biết tất cả, vậy nên khi anh chị chưa thấy tin tưởng sau buổi khám, tôi khuyên anh chị nên đi khám thêm ở những trung tâm y tế khác trước khi đưa ra quyết định điều trị. Đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến phẫu thuật, can thiệp có xâm lấn.

➢ Cơn đau quá mức, cơ đau tăng về đêm, ra mồ hôi nhiều, ăn không ngon miệng… đặc biệt những triệu chứng này xuất hiện sau tuổi 50 thì anh chị cần hết sức lưu tâm để đi khám sớm nhất có thể và khám toàn diện, anh chị nhé! Trên tất cả, bác sĩ chỉ mong sao ai cũng được khoẻ mạnh và nếu có bệnh thì chúng ta sẽ phát hiện ra nó sớm nhất có thể, anh chị ạ.

Trân trọng thật nhiều!

"Không sợ COVID" là cách sống mới, chúng ta cần thay đổi'Không sợ COVID' là cách sống mới, chúng ta cần thay đổi

SKĐS - Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, lực lượng do Bộ Y tế điều đông tham gia hỗ trợ cho TP. HCM và các tỉnh phía nam có gần 24.000 cán bộ, viên chức, học viên và sinh viên tình nguyện. Tại nhiều bệnh viện, các y, bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu.


Bác sĩ Trần Quốc Khánh
Ý kiến của bạn