Hãy kiên trì theo đuổi...

09-06-2018 6:57 AM | Y tế

SKĐS - Anh bạn hàng xóm của tôi đã ngoài 50 tuổi. Ba đứa con của anh cũng đã lớn: Cháu đầu đã tốt nghiệp đại học và đi làm.

Cháu thứ hai đang học đại học và cháu út đang học cấp III. Nhà anh liền kề nhà tôi, chúng tôi mở một cái cổng nhỏ ở hàng rào chung để qua lại nhà nhau cho tiện. “Anh Đức là người hàng xóm tốt bụng”, vợ tôi hay nói như vậy.

Tư vấn cai thuốc lá cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... (ảnh minh họa)

Tư vấn cai thuốc lá cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... (ảnh minh họa)

Vì nhà chung hàng rào, sáng sớm thức dậy, dù không cố ý cũng nghe được những tiếng động vừa phải ở nhà bên. Vợ tôi bảo “Này anh, anh có nghe sáng nào anh Đức cũng bị ho không”. Tôi gật đầu: “Có, sáng nào anh cũng nghe thấy tiếng ho và khạc đờm nữa”. Sáng nào cũng ho dăm ba tiếng, có khi nhiều hơn thế, những cơn ho kéo dài, có khạc đờm như anh Đức chắc chắn có vấn đề về sức khỏe thuộc đường hô hấp. Tôi còn thấy anh hay hút thuốc lá, rất có thể đây là dấu hiệu của “bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Chẳng khó khăn gì để tôi nói chuyện với anh về vấn đề này:

- Anh Đức hút thuốc lá lâu chưa?

- Để xem nào, anh nói - từ trước khi lấy vợ, ít nhất cũng phải ba chục năm rồi.

- Vậy là quá lâu rồi, thế mỗi ngày anh hút khoảng bao nhiêu điếu?

- Trước thì nhiều hơn, nhưng như bây giờ ngày cũng phải nửa gói (10 điếu). Ngày nào thấy ít ho, có khi mình hút tới một gói.

Như để minh họa, anh ho một cơn dài. Tôi chộp ngay lấy cơn ho của anh.

- Ngày nào anh cũng bị ho à?

- Ừ, nhất là vào lúc sáng dậy.

- Anh có nhớ mình hay bị ho đã lâu chưa?

- Khó nhớ quá, nhưng cũng phải dăm ba năm nay rồi.

- Có khi nào anh cảm thấy khó thở không?

- Chưa, à mà có, ấy là khi mình làm việc nặng.

Tôi không ngần ngại mà nói thẳng với anh:

- Anh nên đi khám bệnh, rất có thể anh đã bị: “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Bệnh hay xảy ra ở những người hút thuốc lá lâu năm như anh. Khói thuốc đã làm đường dẫn khí vào ra ở phổi của anh dày lên và hẹp lại dần. Tới một lúc nào đó anh sẽ thấy khó thở ngay cả lúc nghỉ ngơi.

Anh có vẻ lo lắng hỏi tôi:

- Thế bệnh này có chữa được không?

- Chỉ có một cách: Anh phải bỏ thuốc ngay. Tôi nhắc lại - Ngay và luôn. Rồi phải tập thể dục buổi sáng (đi bộ chẳng hạn) hàng ngày mới hy vọng bệnh sẽ dừng lại.

Rất may, vợ anh cũng nghe được câu chuyện giữa chúng tôi. Chị cảm ơn tôi và hứa sẽ bắt anh bỏ thuốc.

Tôi chắc mẩm “Thế này mà ông Đức không bỏ thuốc mới lạ”.

Thế mà chuyện lạ lại xảy ra: “Anh Đức vẫn hút thuốc”. Vợ anh nói với tôi: “Ổng nghiện quá nặng rồi, vợ con cùng xúm vào nói mà không được, hết thuốc chữa”. Tôi cũng chẳng biết nói gì, làm gì hơn nữa.

Cho tới một hôm, tôi đi vãn cảnh chùa, tình cờ gặp một nhà sư. Qua vài câu chào hỏi làm quen, tôi được nhà sư mời đến ngồi nghỉ ở ghế đá dưới một gốc cây to. Cảnh chùa thanh tịnh mát mẻ, thật thích hợp cho một cuộc nói chuyện thân mật. Biết tôi làm nghề y, nhà sư đề cập đến vấn đề sức khỏe. Theo nhà sư thì chương trình giáo dục sức khỏe rất quan trọng trong nền y tế hiện nay. Tôi hỏi: “Vậy theo nhà sư, làm giáo dục sức khỏe, vấn đề cốt lõi là làm việc gì?”. Suy nghĩ một hồi, nhà sư thong thả đáp:

- Theo tôi, làm giáo dục sức khỏe về cơ bản là phổ biến những việc làm có lợi cho sức khỏe và khuyến khích người dân làm theo, bên cạnh đó, phổ biến những việc làm có hại cho sức khỏe và khuyến khích người dân tránh làm. Tuy nhiên, cái khó của người làm giáo dục sức khỏe là làm sao cho người dân hiểu được và tự chọn cho mình việc làm có ích cho sức khỏe cũng như tránh cho mình việc làm có hại cho sức khỏe. Phải để cho tự chọn, tuyệt đối không được áp đặt, bắt ép người dân.

Chợt nhớ tới anh Đức hàng xóm có thờ Phật trong nhà, tôi hỏi:

- Thưa nhà sư có biết anh Đức ở đường Trần Bình Trọng không ạ?

- À, tôi có biết, đó là một Phật tử tốt.

Tôi liền kể câu chuyện hút thuốc lá của anh Đức cho nhà sư nghe. Không phải đợi tôi ngỏ lời, nhà sư đã nói:

- Thôi được, để tôi thử xem sao?

Sau đó chừng vài tháng, quả nhiên tôi thấy anh Đức bỏ được thuốc lá. Sức khỏe anh dần dần tốt lên, bớt ho. Anh nói với tôi: “Nghĩ lại mình thật là dại dột khi hút thuốc lá tới hơn 30 năm. Bây giờ, không hút thuốc mình thấy có nhiều cái lợi: sức khỏe tốt lên, đỡ tốn tiền lại đỡ hôi miệng, đỡ bẩn nhà, không làm hại môi trường, làm hại người khác (hút thuốc lá thụ động)”.

Cho đến nay, tôi cũng chưa hỏi nhà sư hay anh Đức xem họ đã trao đổi gì với nhau? Chỉ biết rằng trong câu chuyện này, điều quan trọng nhất là anh Đức đã bỏ được thuốc lá. Tuy nhiên, tôi cũng có thêm một bằng chứng rằng uy tín rất quan trọng đến người mà ta muốn tác động. Và tôi cũng có thêm một bài học về ý chí trước một việc khó khăn. Đừng từ bỏ nó, hãy kiên trì theo đuổi, tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm được cách giải quyết khó khăn. Tôi chợt nhớ đến một câu danh ngôn “Cánh cửa này đóng thì có cánh cửa khác mở ra”.


BSCKI. Nguyễn Tất Ứng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH