Hà Nội

Hãy khống chế đường huyết để điều trị bệnh thành công

27-11-2013 21:58 | Tin nóng y tế
google news

Như chúng ta đều biết, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do lượng đường huyết (ĐH) trong máu quá cao.

Như chúng ta đều biết, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là do lượng đường huyết (ĐH) trong máu quá cao. Do vậy, muốn điều trị thành công bệnh ĐTĐ thì phải khống chế ĐH ở mức an toàn. Để đạt được điều này, bệnh nhân (BN) cần đạt được sự cân bằng giữa lượng thức ăn hàng ngày với mức độ hoạt động thể lực cùng các loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ.

Vì sao cần kiểm tra ĐH thường xuyên?

Khi ĐH được giữ trong giới hạn bình thường sẽ hạn chế sự xuất hiện các biến chứng của bệnh ĐTĐ. Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng này và việc khống chế ĐH trong mức lý tưởng là khá khó khăn và có thể cần được điều chỉnh liên tục chế độ ăn, thuốc... Muốn vậy, người bệnh cần được kiểm tra ĐH thường xuyên. Cụ thể, kiểm tra ĐH thường xuyên giúp:

- Cung cấp cho người bệnh những thông tin chính xác về bệnh ĐTĐ của họ.

- Hiểu biết rõ hơn mối tương quan giữa nồng độ ĐH và hoạt động thể lực, bài tập thể dục thể thao bạn đang thực hiện, với những loại thức ăn bạn đang ăn hoặc với các yếu tố khác như lối sống, đi du lịch, stress hoặc khi bạn bị ốm.

- Cho biết lối sống mà bạn lựa chọn, các thuốc mà bạn đang dùng có hiệu quả đến mức nào tới điều trị bệnh ĐTĐ.

- Phát hiện ngay các trường hợp khi đường máu (ĐM) của bạn quá cao hoặc quá thấp (hạ ĐM), giúp bạn đưa ra những quyết định quan trọng như cần phải ăn thêm trước khi tập thể dục thể thao, điều trị kịp thời hạ ĐM hoặc phải thông báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.

- Cho biết khi nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về cách điều chỉnh liều lượng thuốc insulin, thuốc viên hạ ĐM, chế độ ăn... khi không kiểm soát được ĐM trong thời gian khá dài.

Thế nào là giới hạn ĐH an toàn?

Thông thường, các BN ĐTĐ nên thử ĐH trước bữa ăn và sau bữa ăn 2 giờ. Có nhiều BN có mức ĐH lúc đói hoặc trước bữa ăn rất tốt nhưng vẫn bị nhiều biến chứng vì mức ĐH sau ăn của họ lại khá cao. Các nghiên cứu gần đây cho biết là ĐH sau ăn cao có khả năng gây biến chứng gần bằng với ĐH lúc đói cao. Các chỉ số ĐH là:

- Hạ ĐH: ĐH < 2,8 mmol/l

- Có nguy cơ bị hạ ĐH: ĐH < 3,5 mmol/l

- Bình thường (tốt): ĐH trước ăn = 4-6 mmol/l, sau ăn = 4-8 mmol/l

- Chấp nhận được: ĐH trước ăn = 6-7 mmol/l, ĐH sau ăn 2h < 9 mmol/l

- Cao (không tốt): ĐH trước ăn > 7 mmol/l, sau ăn > 10 mmol/l.

Các nguyên nhân làm ĐH không ổn định

Thay đổi giờ ăn, loại thức ăn, số lượng thức ăn; thay đổi thói quen tập thể dục thể thao hoặc lao động chân tay; thay đổi loại, liều lượng thuốc ĐTĐ; các stress về tâm lý, tình cảm; mắc bệnh khác như cảm cúm, viêm phổi, đau dạ dày, tiêu chảy...; uống nhiều rượu bia; dùng thêm các thuốc khác như các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc corticoid...

Nếu nghi ngờ kết quả ĐH không chính xác hoặc khi thấy ĐH cao hoặc thấp bất thường mà không thấy có biểu hiện gì đặc biệt thì hãy kiểm tra lại cách đo, máy đo ĐH cá nhân... Việc kiểm tra ĐH thường xuyên kết hợp với xét nghiệm HbA1C  mỗi 3 - 4 tháng là 2 biện pháp quan trọng và cần thiết nhất giúp người bệnh ĐTĐ điều chỉnh và kiểm soát tốt ĐH, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Người bệnh có thể tự thử ĐH tại nhà bằng máy đo ĐH cá nhân để báo ngay với bác sĩ khi có những kết quả về ĐH bất thường.

Dự án Phòng chống đái tháo đường Quốc gia


Ý kiến của bạn