Điểm lại một số tình huống dích dắc xảy ra trên văn đàn thế giới, chúng ta phải thừa nhận rằng, để có được sự đồng nhất trong đánh giá, nhìn nhận về một tác giả dù người đó có là thiên tài đi chăng nữa cũng là một điều gần như… không tưởng. Banzắc lớn là vậy, thế mà không ít các nhà văn, nhà thơ danh giá của nước Pháp thời ấy đã lớn tiếng xem thường ông. Nhà phê bình nổi tiếng Xanhtơ Bơvơ còn trắng trợn phát biểu: “Mỗi nhà phê bình ưa săn một loài thú riêng để xông vào mà băm vằm. Với tôi, đó là Banzắc”. Tài năng vĩ đại như Víchto Huygô mà đương thời còn bị Anphrết Muýtxê coi khinh! Trong một vở kịch thơ, Muýtxê dùng biểu tượng một con vẹt hót đến “ba nghìn câu thơ bằng gang” để ám chỉ Huygô. Maiacốpxki thời còn theo trường phái vị lai đã lớn tiếng đòi “đuổi” Puskin và nhiều tài danh khác “ra khỏi con tàu hiện đại”. Không ít lần Maiacốpxki giễu cợt những người hâm mộ Puskin. Trước khi chết, trong trường ca Lớn tiếng, Maiacốpxki còn mỉa mai châm chọc gọi Êxênhin là kẻ “hát hỏng tráng sĩ hề” như thể Êxênhin là thi sĩ vô duyên lạc lõng với thời đại!...
Từ hiện tượng trên, bất giác tôi lại nhớ tới nhà phê bình văn học Hoài Thanh cùng những gì ông thể hiện trong cuốn hợp tuyển Thi nhân Việt Nam. Có thể nói, với bụng liên tài và một sức cảm thụ văn học phong phú, Hoài Thanh đã dung nạp, đã thâu tóm được trong cuốn sách của mình cái hay của nhiều phong cách thơ khác nhau. Thậm chí, với một số “chủ tướng” trong phong trào Thơ Mới, cách nhìn nhận của ông là ai cũng có vị trí đáng nể trọng, và mỗi người, nếu đứng ở từng góc độ mà xét, thì chưa chắc ai đã hơn ai.
Đây - nhận xét về Thế Lữ - nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới: “Độ ấy, Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam…” và “Người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này”.
Viết về Xuân Diệu - đồng thời cũng là để biểu dương Huy Cận, tác giả có đoạn: “Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho một chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn còn chưa ngớt” và khẳng định “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ Mới”.
Về Chế Lan Viên, tác giả buông bút ghi nhận “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”.
Về Nguyễn Nhược Pháp, tác giả bộc lộ sự cảm phục: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”.
Và rồi, còn những Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Thông…
Đọc những liệt kê đánh giá trên, hẳn có người sẽ cả cười mà nói rằng: “Xem ra các nhà thơ kia, dưới ngòi bút của Hoài Thanh, ông nào cũng… nhất!”.
Quả đúng thế thật! Và đó cũng chính là tính khoa học của tác phẩm, bởi thực tế, trong văn học, mỗi một nhà thơ tài danh đều có những mặt mạnh người khác không có được. Và bởi một lẽ đơn giản, việc phân “ngôi thứ” trong văn chương vốn là việc không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Phạm Nhật Linh