Hôm nay đón tiếp một bệnh nhân đặc biệt, mới bước vào, mình ấn tượng với người bệnh này bởi dáng người béo, mái tóc cắt ngắn, mặc bộ đồng phục học sinh. Đi cùng em là người mẹ. Bà mẹ kể: đây là cháu thứ ba của tôi, hai cháu đầu là con gái, khi tôi sinh cháu này, cả dòng họ ai cũng mong cháu là con trai vì chồng tôi là trưởng họ nên khi sinh cháu ra là con gái, chúng tôi cũng buồn và thể hiện mong muốn của mình bằng cách cho cháu ăn mặc theo phong cách con trai, cắt tóc, đi giày dép như con trai. Cho đến một ngày, chúng tôi nhận thấy cháu thực sự muốn trở thành con trai. Thường hay chơi với các bạn trai, thường tỏ ra mình là đấng nam nhi, hay bảo vệ, che chở cho bạn gái. Em cũng thẳng thắn bày tỏ: em sau này phải là người trụ cột gia đình, phải là đấng nam nhi để sau này thờ cúng tổ tiên, gia đình, thỏa lòng mong muốn của ông nội và bố. Em mong rằng sau này sẽ sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
Đây là một trường hợp lệch lạc giới tính mà có lẽ nguyên nhân một phần là do tâm lý gia đình. Vì mong muốn có một cậu con trai để thờ cúng tổ tiên mà chính những người thân đã tạo ra sự nhận thức lệch lạc cho trẻ và vô tình đã ăn sâu vào trong tâm hồn non nớt của trẻ. Đến bây giờ, để thay đổi lại nhận thức lệch lạc đó là rất khó khăn với cả gia đình, bệnh nhân và bác sĩ. Ngày nay, những thông tin về ca sĩ này chuyển giới, diễn viên hay MC kia có vấn đề bất thường về giới tính được công chúng tiếp nhận một các dễ dàng, nhanh chóng. Ban đầu có thể là sự vô tình của bố mẹ nhưng dần dần nếu không được giáo dục đúng đắn, nhận thức của các em không thay đổi, khi đó, các em đã tự hình thành cho mình là một dạng về giới tính tự nhiên.
Với trường hợp này, tôi thấy tâm lý của gia đình em còn tương đối vững vàng. Tôi đã gặp nhiều trường hợp tư vấn về vấn đề giới tính của con, nhưng có lẽ theo mình, người cần làm tâm lý ở đây chính là cha mẹ của trẻ.
Đến gặp tôi theo như hẹn ngày hôm nay là một đồng nghiệp làm tại một bệnh viện ở Hà Nội. Cả hai vợ chồng đồng nghiệp của tôi đến tư vấn trong trạng thái hoảng hốt, căng thẳng, lo lắng đến tột cùng. Có lẽ họ đã phải băn khoăn suy nghĩ từ lâu và hôm nay quyết định đến gặp bác sĩ. Giãi bày với tôi, họ như tìm được một phao cứu sinh giữa biển khơi. Qua câu chuyện, tôi được biết, cô giáo chủ nhiệm của M. (cậu con trai của đồng nghiệp tôi) đột ngột gọi điện: dạo này M. có sự thân thiết bất thường với bạn trai tên X. Hai bạn đi đâu cũng đi cùng nhau, không rời nhau nửa bước, cô bạn gái thân của M. bây giờ cũng không còn gắn bó với M. như trước nữa.
Trong cuốn nhật ký hàng ngày, M. cũng thể hiện sự nhớ nhung, thương yêu và hứa hẹn sẽ cưới X. Tất cả những điều ấy như một cú sốc với người đồng nghiệp, không ăn, không ngủ, lo lắng căng thẳng, trong khi đó, con trai người bạn đồng nghiệp vẫn ung dung, hạnh phúc với những tình cảm bạn bè mà mình đang có.
Làm thế nào để tư vấn cho người đồng nghiệp này bởi người gặp stress bây giờ chính là bậc cha mẹ chứ không phải là những đứa con của họ? Họ đang shock, những gì kỳ vọng vào đứa con bé bỏng của mình bây giờ đã sụp đổ, tiêu tan hết? Con mình sinh ra lại trai không ra trai, gái chẳng ra gái?
Tư vấn cho các bậc cha mẹ chấp nhận tình trạng này ư? Sẽ không thể ngay lập tức, phải từ từ thôi. Nghĩ vậy, tôi bèn dẫn chứng: hiện nay, nhiều nước đã công nhận tình trạng hôn nhân đồng giới nhưng ở Việt Nam thì chưa. Và trên thế giới không coi tình trạng này là bệnh mà đó là một hiện tượng, trong đó yếu tố tâm lý chiếm 65%, yếu tố di truyền 35%. Có thể do nhận thức của các con lúc này còn chưa đủ chín chắn dẫn đến hành vi bị lệch lạc. Tôi chỉ biết khuyên đồng nghiệp mình hãy tìm hiểu thêm về đồng tính và từng bước tác động vào nhận thức của con, hy vọng rằng với thời gian, các con sẽ thay đổi lại nhận thức của mình và trở lại với cuộc sống của người bình thường mà tạo hóa đã ban cho.
BS. Yến Trang