Hãy để Ukraine tự quyết định vận mệnh của họ

24-04-2014 23:45 | Quốc tế

SKĐS - Tổng thống Olexandre Tourrtchinov khẳng định, “những phần tử ly khai thân Nga đã vượt qua lằn ranh đỏ”. Chiến dịch được Kiev chính thức phát động trở lại sau khi phát hiện trong vùng Donetsk hai thi thể mang dấu hiệu bị tra tấn.

* Tình hình tại Kiev ngày càng căng thẳng.

* Chính trị gia Đông Âu lên án Mỹ và EU kích động cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Olexandre Tourrtchinov khẳng định, “những phần tử ly khai thân Nga đã vượt qua lằn ranh đỏ”. Chiến dịch được Kiev chính thức phát động trở lại sau khi phát hiện trong vùng Donetsk hai thi thể mang dấu hiệu bị tra tấn. Một trong hai nạn nhân là dân biểu địa phương, thành viên đảng thân phương Tây hiện đang nắm quyền tại Kiev. Dân biểu này đã bị những kẻ lạ mặt bắt đi vài phút sau khi ông tìm cách lọt vào bên trong toà thị chính thành phố Gorlovka đang bị các nhóm vũ trang ly khai chiếm giữ. Ông định tháo cờ của phe ly khai thay bằng cờ Ukraine. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine khẳng định có bằng chứng những phần tử nổi dậy từng chiếm trụ sở cơ quan an ninh ở Sloviansk đã tham gia vào vụ giết người này. Bất chấp lệnh ngừng chiến do Kiev ban hành, những ngày qua, tình hình trong vùng vẫn ngày thêm căng thẳng, đặc biệt là tại thành phố Slaviansk, một vị trí khá vững của quân nổi dậy. Theo Bộ Quốc phòng, tại thành phố này một máy bay trinh sát của quân đội đã bị dính đạn từ dưới bắn lên. Nhà báo Mỹ Simon Ostrovski cũng bị nhóm vũ trang bắt giữ tại thành phố này, hiện vẫn chưa rõ số phận của nhà báo này ra sao. Tình hình hiện tại là căng thẳng và rất tế nhị đối với quân đội Ukraine. Tuần trước, giai đoạn đầu của chiến dịch chống khủng bố đã đánh dấu bằng cảnh thất bại nhục nhã của quân đội Ukraine khi các xe bọc thép của họ bị dân địa phương bao vây buộc các binh sĩ phải giao nộp súng mới cho đi khỏi.

Khủng hoảng Ukraine ngày càng nghiêm trọng.

Khủng hoảng Ukraine ngày càng nghiêm trọng.

Nhưng sự kiện trên diễn ra ngay sau chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Kiev khẳng định sự ủng hộ toàn diện đối với chính quyền Ukraine. Trong khi đó, các lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine lại càng tỏ ra quyết tâm sẵn sàng đối phó với “chiến dịch chống khủng bố” của Kiev.

Như vậy, hy vọng tình hình dịu xuống mới le lói được ít ngày sau thoả thuận quốc tế được ký tại Geneva thì nay nguy cơ bùng nổ xung đột đang trở lại giữa quân Chính phủ và lực lượng thân Nga được vũ trang khá hiện đại. Điều lo ngại nhất lúc này là các sự cố ở miền Đông có thể dẫn đến việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, nếu lợi ích của họ tại Ukraine bị tấn công, Matxcơva sẽ đáp trả như đã làm với Gruzia năm 2008, tức là can thiệp quân sự. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Tấn công vào kiều dân Nga tức là tấn công vào nước Nga”.

Quân đội Ukraine tiếp tục chiến dịch tại khu vực Đông Nam theo lệnh của quyền Tổng thống Alexandr Turchinov. Đó là giải pháp để ông Turchinov giữ chiếc ghế người đứng đầu Nhà nước. Trước đấy, đám đông các phần tử dân tộc cực đoan tập hợp tại Kiev đã đòi bãi nhiệm quyền Tổng thống nếu ông ta không ra lệnh cho lực lượng công lực mạnh tay đàn áp biểu tình ủng hộ liên bang hóa. Kết quả, người biểu tình ở Đông Nam Ukraine lần nữa bị tuyên bố là các kẻ khủng bố và cái gọi là giai đoạn chủ động của chiến dịch chống khủng bố được bắt đầu ở tỉnh Donetsk.

Các chính trị gia châu Âu, đặc biệt là những người không ngại đưa ra ý kiến trái ngược với Mỹ đã đưa ra cách giải thích riêng về sự kiện Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Séc (CT24), cựu Tổng thống Czech Vaclav Klaus phát biểu rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine được Mỹ và EU kích động - họ quá sốt sắng trong việc lôi kéo quốc gia về phía phương Tây. Chính trị gia này tin rằng, lúc này cần phải ngừng gây áp lực với Ukraine để đất nước có cơ hội tự quyết định vận mệnh tương lai. Nếu không, cái mà châu Âu nhận được sẽ là một cuộc nội chiến lớn kề sát mình. Chuyện như vậy đâu có đáp ứng mong đợi của phương Tây - Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nhận xét: “Mục đích của họ vẫn như ban đầu, kéo dài khoảng cách giữa Ukraine và Nga, giữa nhân dân hai nước. Nhưng giờ đây, phương Tây nhận ra rằng cuộc tấn công trực diện của họ với cuộc đảo chính vũ trang lật đổ Tổng thống Yanukovych đã thất bại. Hơn nữa còn dẫn đến những kết cục hoàn toàn bất ngờ ở miền Đông Ukraine. Tôi nghĩ, dù sao không ai trong số họ lại muốn một cuộc khủng hoảng lớn, một xung đột vũ trang”.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng nhấn mạnh nhà cầm quyền Kiev cần thiết trung thành và khẩn trương thực hiện thỏa thuận tại cuộc họp với đại diện Nga, Mỹ, EU ở Geneva ngày 17/4. Chúng bao gồm bãi bỏ lệnh sử dụng quân đội chống lại thường dân, tịch thu vũ khí của chiến binh Khu vực cánh hữu và các nhóm dân tộc cực đoan khác, giải phóng toàn bộ tù chính trị, chấm dứt ngược đãi các nhà hoạt động của phong trào phản đối ở khu vực phía Đông Nam và tiến hành cải cách hiến pháp thực sự, toàn diện ở Ukraine.

(Theo Itar-Tass, AFP)

Diệp Anh

 

 


Ý kiến của bạn