Sự sáng tạo ở trẻ phụ thuộc vào những điều trẻ tích lũy từ môi trường sống, qua trí tưởng tượng, từ những đồ vật trẻ tiếp xúc… Vậy để trẻ có thể phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo của mình, bố mẹ nên làm gì?
Tạo sân chơi lành mạnh và an toàn
Trẻ nhỏ thường không biết bản thân thực sự thích gì. Cha mẹ có thể định hướng, gợi mở cho bé nhưng không nên ép buộc bé làm những điều bé không thích. Bạn có thể đưa con đến các nhà thiếu nhi, cho bé tham qua một lượt để bé chọn môn năng khiếu bé thích. Bé năng động sẽ thích các môn thể thao hay hoạt động hướng đạo sinh, có bé sẽ thích ca hát, nhảy múa hay vẽ và thủ công.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy dành thời gian cùng con đi chơi công viên hoặc các sân chơi dành riêng cho trẻ vào những ngày nghỉ. Bé sẽ có cơ hội được chạy nhảy, khám phá xung quanh. Cả hai loại hình này đều giúp trẻ tưởng tượng tốt hơn và sáng tạo hơn. Nếu thực sự không thể sắp xếp được thời gian, bố mẹ có thể biến nhà mình thành sân chơi mini cho trẻ với những đồ dùng trong nhà, những chiếc thùng giấy, cây trồng... Nhưng hãy nhớ kiểm tra tính an toàn của tất cả những thứ mà bạn định để cho bé chơi nhé!
Luôn bên cạnh khi trẻ vui chơi
Dành thời gian bên con và chơi cùng con là cách tốt nhất để bố mẹ biết sở thích của con, con đang gặp khó khăn ở đâu, cần bố mẹ giúp gì. Với các trò chơi vận động hay tập thể có sự tham gia của nhiều trẻ, bạn có thể đứng ngoài quan sát và cỗ vũ tinh thần cũng như chăm sóc khi bé cần, nhưng với những trò chơi gợi mở trí tưởng tượng và óc sáng tạo, bạn cần thực sự đồng hành cùng con trong từng chi tiết, chẳng hạn như:
- Khi bé tham gia đóng kịch, hãy giúp con chọn vai phù hợp (nếu bé chưa biết chọn vai nào) và gợi ý cho con những chi tiết thú vị, nhưng chỉ là gợi ý thôi nhé, hãy để bé quyết định tính cách cho nhân vật của mình, không cần phải theo khuôn mẫu nào cả. Vậy mới là một vở kịch thú vị chứ, phải không nào?
- Nếu bé đang chơi cát, bạn có thể gợi ý cho con: “mẹ con mình xây lâu đài nhé!” hay “con có biết ở đâu có nhiều cát nhất không?”.
- Nếu bé đang nghịch nước, bạn có thể vừa chơi vừa trò chuyện về những hạt mưa, về hơi nước bay lên trời, về cầu vồng…
- Nếu bé đang vẽ một bức tranh, hãy cùng con phát triển ý tưởng cho bức tranh của bé, đặt câu hỏi xem con vẽ gì để bé trả lời.
- Nếu bé đang chơi lắp ráp những khối ghép tự do, bạn có thể gợi ý đề tài và giúp bé hoàn thiện những mẫu ghép khó, vừa chơi vừa trò chuyện với con để phát triển đề tài thành một mô hình “hoành tráng”.
Sắp xếp thời gian hợp lý
Đừng bắt con học quá nhiều, và chương trình học phải phù hợp với độ tuổi. Trẻ con ngày nay dường như chỉ còn đủ thời gian cho việc tắm và ăn tối cùng gia đình do quỹ thời gian đến trường, học ngoại khóa, các buổi học thêm. Bạn cần phải sắp xếp thời gian biểu của con và cả của chính bạn nữa để dành ra những khoản thời gian cho việc vui chơi, tốt nhất là hàng ngày và tối thiểu là hàng tuần. Trẻ cần được vui chơi và giải trí thường xuyên hơn là chờ đến kì nghỉ.
Hãy kiên trì và bắt đầu sắp xếp thời gian chơi với con 20, rồi 30 phút mỗi ngày. Điều này tuy đơn giản nhưng rất ý nghĩa. Bạn có thể tìm thấy muôn vàn trò chơi thú vị trong kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam lẫn trò chơi nước ngoài. Con được tự do vui chơi phù hợp sẽ phát huy nhanh tính sáng tạo!
Chọn trò chơi và đồ chơi để con vui chơi và thể hiện sự sáng tạo
Thay vì mua những món đồ chơi được thiết kế chuyên biệt, hãy tận dụng tối đa những đồ dùng có sẵn trong nhà bạn, điều này giúp bé phát huy khả năng sáng tạo của mình tốt hơn cả đấy bố mẹ ạ! Gợi ý:
- Trò chơi giác quan: xô, chậu, bình, ca để đựng và múc cát, nước; bạn nên trải thảm xốp có độ bám cho con khi chơi nước để giảm nguy cơ và lực tác động khi bé bị ngã cho trơn trượt.
- Trò chơi lắp ghép và xây dựng: bộ khối ghép hình, các khối gỗ và hộp các-tông to nhỏ.
- Vẽ và thủ công: giấy, giấy màu, bút chì, màu sáp hoặc màu nước, kéo và hồ dán.