Nhập viện vì đau bụng phát hiện u đại tràng
Vào tháng 5 năm 2020, khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Quận Thủ Đức ( TP.HCM) tiếp nhận từ Cấp cứu một trường hợp: Bệnh nhân nữ, 46 tuổi nhập viện vì đau bụng. Bệnh nhân đau bụng quặn cơn vùng hạ sườn trái ngày thứ hai, không lan, không sốt, tiêu tiểu bình thường.
Qua thăm khám, ghi nhận tổng trạng và sinh hiệu bệnh nhân ổn. Vùng bụng sờ được một khối nằm giữa vùng trên rốn và hạ sườn trái kích thước khoảng 10x10cm, bờ đều, di động, mật độ tương đối chắc, ấn đau nhẹ.
Bệnh nhân được chỉ định CT bụng cản quang thì ghi nhận kết quả: hình ảnh lồng ruột đại- đại tràng tại vị trí đại tràng ngang gần gốc gan nghĩ do u gây bán tắc ruột nên bác sĩ đã giải thích cho bệnh nhân và người nhà về việc bổ sung xét nghiệm tiền phẫu và mổ chương trình vào hôm sau.
Hình ảnh 2 khối u bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật.
Bệnh nhân được mổ nội soi và ghi nhận trong mổ đây là một trường hợp lồng ruột đại-đại tràng do u đại tràng ngang gần gốc gan và thám sát thấy đại tràng góc lách cũng có một khối sượng cứng nghi ngờ u.
Sau khi hội ý, ekip phẫu thuật quyết định nội soi đại tràng trong mổ từ ngả hậu môn lên kiểm tra. Kết quả ghi nhận được đại tràng góc lách có 1 khối u sùi kích thước 2x4cm nghi K và đại tràng ngang gần gốc gan có 1 khối u thứ 2 to, gây hẹp lòng đại tràng. Bệnh nhân được phẩu thuật cắt đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái chứa 2 u và nối hồi tràng vào đại tràng chậu hông. Bệnh phẩm được gửi đi làm giải phẫu bệnh để xác định chẩn đoán và giai đoạn nhằm lên kế hoạch điều trị tiếp theo.
Bệnh nhân sau mổ được các bác sĩ thăm khám
Cần được tầm soát ung thư đại tràng định kỳ
BS Mai Hóa – Trưởng khoa Ngoại Tổng quát cho biết: “Theo tổng hợp số liệu ung thư toàn cầu 2018 (GLOBOCAN 2018), ung thư đại trực tràng là bệnh lý ung thư phổ biến thứ ba và đứng hàng thứ hai trong các nguyên nhân tử vong do ung thư. Các trường hợp ung thư đại trực tràng phát hiện có nhiều hơn 1 u nguyên phát trên cùng 1 bệnh nhân (hiện nay tạm được gọi là ung thư đại tràng đồng phát) rất hiếm gặp, tỷ lệ được dự đoán vào khoảng từ 1,1% - 8,1%, một số nghiên cứu mẫu nhỏ báo cáo tỷ lệ khoảng hơn 4% trong số người mắc ung thư đại trực tràng. Vì vậy đối với một bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, phải luôn luôn cố gắng, sử dụng những cận lâm sàng có thể để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi là: “Bệnh nhân có ung thư đại tràng nhiều hơn 1 vị trí hay không?” Vì nếu có, chiến lược điều trị sẽ thay đổi tùy vào sự phân chia vị trí của các khối u.”
BS Chu Minh Tuấn- Phẩu thuật viên ( Khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện quận Thủ Đức) khuyến cáo người dân từ 40 tuổi trở lên hay bị rối loạn đại tiện hoặc tiền căn gia đình có người bị ung thư đại tràng cần được tầm soát ung thư đại tràng định kỳ. Việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là điều hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe và cần có sự chủ động từ người dân đặc biệt trên người có nguy cơ cao.
Ung thư đại tràng có thể ở các vị trí đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái. Mỗi vị trí ung thư đại tràng có biểu hiện triệu chứng bệnh lý và phương pháp điều trị khác nhau cần được lưu ý.
Ung thư đại tràng phải: thông thường là một khối u, nếu ở manh tràng hay ở 1/3 phải đại tràng ngang thì khối u di động nhiều, còn ở đại tràng lên hay ở góc gan phải thì di động ít; nếu khối u đã dính vào thành bụng hay vào một cơ quan lân cận thì có thể không di động hoặc di động ít. Khi khối u di động nhiều, phẫu thuật càng dễ dàng và sau phẫu thuật ít có biến chứng. Thực tế trong khi phẫu thuật thường thấy khối u to hơn ước lượng qua nắn ở thành bụng trước phẫu thuật. Khối u càng to càng có nhiều mô dính chung quanh, vì vậy khi loại bỏ khối u dễ có nguy cơ làm tổn thương đến các cơ quan lân cận. Khối u ung thư ở đại tràng phải ít khi làm hẹp, gây tắc ruột mặc dù chúng thường to hơn khối u ung thư ở đại tràng trái và khối u này hay bị nhiễm khuẩn nhiều hơn. Lúc mở khối u thấy có nhiều ổ mủ trong thành hoặc ở mặt trên, do đó về lâm sàng dễ nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa hoặc áp-xe túi mật. Nắn bụng có thể thấy khối u di động ít hay nhiều. Nếu ung thư manh tràng thì khối u nằm ở hố chậu phải dễ nhầm lẫn với bệnh lao góc hồi - manh tràng, nếu khối u ở góc gan thì loại u lớn mới có thể nắn thấy và dễ nhầm lẫn với u ở gan hay ở thận.
Ung thư đại tràng ngang: Gặp ít hơn ung thư đại tràng phải và đại tràng trái. Do đại tràng ngang thường dài và di động dễ dàng nên khối u ở đoạn này có thể thấy ở bất cứ vùng nào trong hố bụng và khi tiến triển có thể dính với gan, mật, dạ dày, ruột non, đại tràng xích ma, phần phụ, tử cung và cả với bàng quang. Lòng đại tràng ngang rộng nên khối u ít khi gây tắc ruột nhưng dễ bị nhiễm khuẩn. Tổn thương ung thư có thể thấy 3 dạng gồm: dạng u thường to, mô u giống mô não, thấy nhiều ở đoạn 1/3 phải và đoạn 1/3 giữa; dạng thắt với đoạn có ung thư bị co thắt lại, thành cứng, thấy nhiều ở đoạn 1/3 trái; dạng loét rất hiếm gặp. Việc chẩn đoán trong giai đoạn đầu rất khó, đến giai đoạn có khối u thì chẩn đoán dễ dàng hơn nhưng cũng có thể bị nhầm lẫn với khối u ở các cơ quan khác. Việc chẩn đoán xác định phải thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Ung thư đại tràng trái: khối u ở đại tràng trái có tính chất chung là kích thước nhỏ, có xu hướng làm hẹp lòng đại tràng, có loại bị thâm nhiễm cứng; đoạn bị cứng có khi dài khi ngắn, thường gặp ở đại tràng xích ma. Chẩn đoán xác định cũng căn cứ vào các xét nghiệm cần thiết như chụp phim X-quang, siêu âm, soi trực tràng - đại tràng... Việc điều trị bằng phẫu thuật đã có nhiều tiến bộ và kết quả cũng khả quan hơn.