Hồi hộp hay còn gọi là đánh trống ngực là một triệu chứng hay gặp ở rất nhiều người bị bệnh tim và cả những người không bị bệnh tim nữa. Nó không phải là một triệu chứng đặc trưng cho một nhóm bệnh tim nào. Thực ra, nó chỉ là một trong những cảm giác mà bất kỳ người nào cũng chú ý đến, khó chịu vì nó và là triệu chứng khiến mọi người lo âu và đi khám bệnh ở một thầy thuốc chuyên khoa tim mạch.
Cần kết hợp triệu chứng khác để chẩn đoán
Triệu chứng này khi chẩn đoán là dấu hiệu của một bệnh về tim mạch cần phải kết hợp với những triệu chứng khác như: hay mệt, khó thở, phù chân… Việc quá lo âu với khả năng bị bệnh tim khi có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực thường làm tăng tiết chất Epinephrine trong máu, cộng với sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh thực vật làm gia tăng nhịp tim và sự co bóp của cơ tim càng làm nặng thêm cảm giác hồi hộp của bệnh nhân và có thể đưa đến cảm giác khó thở, tức nghẹn vùng ngực nữa. Cảm giác này rất hay xảy ra vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân có việc gì phải lo lắng.
Rất nhiều người tự hỏi tại sao lại có hiện tượng hồi hộp và đánh trống ngực? Thế nhưng ngay cả một số thầy thuốc không phải chuyên khoa tim mạch cũng không biết nữa.
Trong các điều kiện bình thường, với những người khỏe mạnh có type thần kinh trung gian trầm tĩnh và cả một số người khác cũng không cảm giác thấy tiếng đập nhịp nhàng của trái tim. Họ chỉ có thể cảm thấy đánh trống ngực và hồi hộp khi đang ở tình trạng căng thẳng vì hoạt động gắng sức, hoặc do xúc động hay hoạt động tình dục. Kiểu hồi hộp và đánh trống ngực này mang tính chất sinh lý bình thường mà nguyên nhân của nó là sự hoạt động quá mức của tim làm tim đập nhanh và tăng co bóp. Cảm giác này có thể xuất hiện do một số bệnh đi kèm như: sốt, thiếu máu nặng hay hội cường giáp. Ngoài ra, nếu cảm giác hồi hộp đánh trống ngực xuất hiện trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải nghĩ đến bệnh tim và cần phải đến khám thầy thuốc chuyên khoa tim mạch để có một chẩn đoán chính xác nhất.
Nguyên nhân về tim mạch hay gặp nhất với những bệnh nhân bị bệnh tim mạch là tình trạng rối loạn nhịp tim bao gồm: tình trạng ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh kịch phát, rối loạn thần kinh tim… Những bệnh này có thể là nguyên phát nhưng cũng có thể là hậu quả của bệnh van tim, bệnh động mạch vành hay bệnh viêm cơ tim. Việc chẩn đoán những rối loạn nhịp gây ra triệu chứng hồi hộp đánh trống ngực thật ra không khó, chỉ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch nghe tiếng tim, bắt mạch và đo điện tâm đồ. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim có thể được xác định bằng việc siêu âm tim.
Tuy nhiên, có một số trường hợp không phải lúc nào bệnh nhân cũng có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực thường xuyên mà chỉ xảy ra vào một vài thời đểm trong ngày nhất là vào ban đêm thì khi khám bệnh thông thường người thầy thuốc cũng không phát hiện ra. Khi đo nghiệm pháp đo điện tim 24 giờ sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Bệnh nhân được đeo một mày điện tim nhỏ, gắn các điện cực vào vùng trước tim và sinh hoạt bình thường. Tất cả các hoạt động điện của tim sẽ được máy điện tim ghi nhận và lưu trữ trong đĩa cứng của máy. Ngày hôm sau, những kết quả này sẽ được truyền qua máy tính và nhờ một chương trình đặc hiệu những rối loạn nhịp tim sẽ được ghi nhận.
Điều trị không dễ
Việc điều trị chứng hồi hộp đánh trống ngực không phải là dễ dàng. Việc đầu tiên là phải giải tỏa tình trạng lo âu quá đáng của bệnh nhân bằng liệu pháp tâm lý để cắt đứt bớt một phần vòng xoắn bệnh lý của chứng hồi hộp. Sau đó là sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp và thuốc ức chế việc tăng tiết quá đáng chất Adrenaline va Epinephrine của bệnh nhân. Tất nhiên là phải điều trị các bệnh khác gây ra tình trạng này như: sốt cao, hội chứng cường giáp, thiếu máu nặng và các bệnh tim như suy tim, viêm cơ tim, thiếu máu cơ tim…
Một số trường hợp phải can thiệp bằng thủ thuật cắt đốt hệ thần kinh tự chủ của tim.
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM
(Cố vấn BV. Quốc tế Minh Anh)