Hà Nội

Hãy dành ra một phút để đọc, bạn sẽ bất ngờ về kiến thức liên quan đến đột quỵ

26-12-2018 16:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo một công bố mới được thống kê và kiểm chứng trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu, nguy cơ đột quỵ tăng lên 30% vào mùa lạnh so với các thời điểm khác. Thống kê không đẩy đủ từ các bệnh viện cũng cho thấy, mùa lạnh số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng từ 15-30% , đặc biệt là số ca bệnh tăng hơn vào những ngày thời tiết rét đậm. Vậy, làm thế nào để phòng tránh đột quỵ vào mùa lạnh và những cai có nguy cơ đột quỵ cao trong mùa lạnh?

Người trung niên, cao tuổi mắc các bệnh THA, ĐTĐ nguy cơ cao đột quỵ

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam , khi mùa đông đến tình trạng đột quỵ xảy ra nhiều, thống kê các bệnh viện nếu nhiệt độ giảm xuống 2,4 độ thì đột quỵ tăng lên. Thống kê tại Bệnh viện 108 cũng cho thấy có 60% bệnh nhân đến cấp cứu vào buổi sáng bởi căn bệnh này vào mùa đông. Bởi, khi mùa đông mạch máu co lại lòng mạch hẹp lại nên khả năng cung cấp lượng máu giảm, tim tăng co bóp, dẫn đến tăng huyết áp, vữa xơ động mạch nên nguy cơ cao xảy ra đột quỵ.

GS. Thông cũng cho biết thêm, những người trung niên, người cao tuổi, người bị mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), vữa xơ thành mạch, những người béo phì, nghiện thuốc lá và mắc một số bệnh tim mạch khác là những người có nguy cơ cao nhất bị đột quỵ mùa lạnh. Do đó, cần phải có những biện pháp dự phòng.

Phải làm gì để dự phòng đột quỵ?

Theo đó, GS. Thông chia sẻ, đối với những người bị THA bắt buộc phải đo huyết áp hàng ngày, sáng, chiều, tối chúng ta ghi số huyết áp vào sổ. Chúng ta phải đến thầy thuốc, phải uống thuốc theo giờ quy định. Không thể sáng nay uống thuốc, hôm mai quên lại uống vào buổi chiều uống như vậy không có tác dụng kiểm soát huyết áp vì  tất cả các loại thuốc chỉ có khả dụng sinh học trong 4 tiếng. Với những người trung niên có yếu tố nguy cơ nên khám sức khỏe định kỳ để tìm các yếu tố nguy cơ từ đó kịp thời điều chỉnh. Đối với người ĐTĐ thì cần phải kiểm soát đường huyết, sinh hoạt và dùng thuốc theo khuyến cáo của thầy thuốc.

GS.TS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam

Còn đối với những người trung niên, cao tuổi chưa xuất hiện các yếu tố nguy cơ như nói trên, thì cần phải  kiểm soát yếu tố nguy cơ bằng cách theo dõi huyết áp. Huyết áp khuyến nghị hiện nay là 130/80mmHg, ngoài ra cần có chế độ sinh hoạt khoa học, tránh stress căng thẳng và phải có thời gian nghỉ ngơi, thể thao vận động hợp lý. Ngoài ra chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ uống nhiều nước vẫn luôn là chế độ mà các chuyên gia khuyến nghị. GS. Thông cũng khuyến cáo, hiện nay thói quen ăn uống với nhiều mỡ động vật, ăn phủ tạng động vật, rút thuốc lá, rượu bia là yếu tố nguy cơ trường diễn đối với nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người lại không quan tâm.

Một vài lưu ý cho người có nguy cơ cao đột quỵ trong mùa lạnh

Ngoài những khuyến cáo trên, GS. Thông cũng lưu ý một số việc sau để dự phòng đột quỵ mùa lạnh. Không thay đổi tư thế một cách đột ngột. Nhiều người có thói quen khi buổi sáng thức dậy là vung chăn ra khỏi giường luôn. Riêng việc đang nằm mà vùng dậy ở tư thế đột ngột đã làm máu không lên não, do đó nên dạy từ từ tập luyện động tác từ mặt đến chân để cơ thể thích nghi dần dần.
Một trong những sai lầm nữa là vào mùa đông mọi người có thói quen đi tập thể dục quá sớm, nghĩ là như thế sẽ tốt nhưng thực ra đang ở trong nhà ấm mà đi ra ngoài vào sáng sớm lạnh, mạch co đột ngột do đó mới dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng là có người đang tập thể dục thì đột quỵ. Ngoài ra, việc tắm vào mùa đông cũng cần phải lưu ý, đó là khi mùa đông chúng ta thường hay tăm nước nóng, nếu tắm nóng quá mạch giãn ra cũng không tốt cho cơ thể.

Những dấu hiệu nào để nhận biết người đột quỵ ?

Tự dưng đột ngột yếu nửa người, nửa bên cơ thể

Nói ngọng, nói khó, líu lưới

Hoa mắt, chóng mặt, loạng choạng

Mù một mắt, hoặc nhìn không rõ

Đau đầu như búa bổ, chưa bao giờ phải chịu cơn đau đầu như vậy.

Nếu có các dấu hiệu trên hãy thực hiện sơ cứu người đột quỵ bằng cách đặt nằm nghiêng 30 độ, tuyệt đối không cho uống, ăn bất kể thứ gì và gọi xe cấp cứu đến đưa người bệnh đến viện càng sớm càng tốt, không nên chần chừ bởi nếu không  sẽ mất cơ hội sống khỏe mạnh của người bệnh.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn