Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em từ chính sức mạnh của gia đình

01-06-2020 10:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan… Cứ vào mỗi dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, câu thơ chan chứa tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ lại nhắc nhở mỗi người lớn chúng ta: trẻ em như búp trên cành, do vậy cần phải được nâng niu và gìn giữ.

Tại phiên họp liên quan đến công tác thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, các đại biểu cũng đều thống nhất cho rằng, vai trò cốt lõi trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em chính là gia đình.

Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống, trẻ em lại bị chính người thân trong gia đình ruồng rẫy, bạo hành, bị lạm dụng tình dục trong chính môi trường được cho là cần tình yêu thương nhất – đó là gia đình.

Nhà có còn là nơi an toàn khi kẻ bạo hành chính là cha mẹ ruột?

Gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều trường hợp cha mẹ bạo hành con cái ngay tại nhà dẫn đến bị thương, thậm chí tử vong gây xôn xao dư luận.

Mới đây, ngày 28/5, tại xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng xảy ra sự việc bé D.T.N (6 tuổi) bị chính cha ruột trói tay rồi dùng cây đánh đập một cách tàn bạo đứa con mình rứt ruột đẻ ra, gây phẫn nộ trong dư luận. Tại cơ quan công an, đối tượng khai do phát hiện con gái lấy gạo đổ vào cát để đùa nghịch nên tức giận dẫn đến việc đánh bé N. Theo cơ quan điều tra, hiện bé N. bị đa chấn thương phần mềm và đang chờ kết quả siêu âm và chụp CT để giám định tỷ lệ thương tích, củng cố hồ sơ xử lý người cha theo pháp luật.

Cũng trong tháng 5, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Phiên (23 tuổi, trú tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về hành vi giết người. Theo đó, ngày 21/5, sau khi uống rượu, Phiên đã đánh vợ nên người vợ bỏ ra ngoài. Lúc này, bé Nguyễn Bảo Bình (sinh tháng 10/2019, con trai Phiên) khóc, do dỗ dành nhưng con không nín nên Phiên dùng tay đánh mạnh con nhiều lần rồi đi ngủ. Khi vợ quay về thì phát hiện con trai bất tỉnh, người tím tái và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng các bác sĩ xác định cháu bé đã tử vong do chấn thương sọ não. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay cách đây 3 tháng, bé gái 4 tuổi ở Đông Anh (Hà Nội) bị chính mẹ đẻ là Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi) và cha dượng Nguyễn Minh Tuấn (31 tuổi) tra tấn dã man trong suốt 24 ngày dẫn đến tử vong. Phòng cảnh sát hình sự công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan để điều tra về hành vi giết người và tàng trữ trái phép chất ma túy. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Người thân ở đây được hiểu là cha mẹ ruột, bố dượng, mẹ kế. Vì sao cha mẹ đang tâm hành hạ đứa con mình rứt ruột đẻ ra hoặc không đẻ nhưng đã được trẻ xem như là cha mẹ? Có thể do những quan niệm cổ hủ ăn sâu vào máu không thể thoát ra được của một bộ phận người làm cha mẹ: Thương cho roi cho vọt, sinh được thì diệt được, con cái thuộc quyền sở hữu của cha mẹ… Đại đa số trường hợp bạo hành trẻ em do người thân xảy ra trong các gia đình nghèo khổ, ít học, vướng tệ nạn xã hội, ở các vùng nông thôn, miền núi xa xôi hẻo lánh… Do áp lực cuộc sống gây ra những cơn buồn bực, bế tắc, do nghiện ngập, do thiếu hiểu biết, họ hành động có khi cả trong vô thức.

Xung quanh trẻ luôn rình rập nhiều mối nguy hiểm

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, công tác trẻ em luôn được Đảng, Chính phủ và cả xã hội cùng quan tâm, dành nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Việt Nam được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng trên thế giới về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thì rất cần quan tâm tới mặt tối của bức tranh toàn cảnh về trẻ em tại Việt Nam, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và gần đây tình trạng này đang gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và gần 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.

Ảnh minh họa

Bên cạnh những vấn nạn xâm hại, bạo lực ngoài đời thực mà trẻ em phải đối mặt thì chúng còn gặp vô vàn những rủi ro và thách thức với những tệ nạn trên mạng xã hội ảo.

Thời đại chuyển đổi số rộng khắp, công nghệ đã thay đổi cuộc sống theo vô số cách thức khác nhau, hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng Internet cũng đã làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội, là nạn nhân của bạo hành... Bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên mạng internet.

Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 đã nhận trên 4 triệu cuộc gọi đến trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230.000 cuộc gọi đến để nhờ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp về các vụ việc về trẻ em.

Vai trò của gia đình cần được phát huy hơn nữa trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Tại phiên họp liên quan đến công tác thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, các đại biểu nêu cao vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em là gia đình.

Quả thực, gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng, yếu tố quyết định trong chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người gần gũi mật thiết nhất, thường xuyên bên cạnh trẻ nên việc chăm sóc con trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là “bản năng”. Do đó, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ chính gia đình là cốt lõi của sự thành công trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em… đã được các cấp từ TW đến địa phương ban hành, nổi bật nhất là việc đưa vào thực thi Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, theo một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, ở vùng nông thôn, trên 40% người lớn không biết về Luật Trẻ em, chưa biết tới trẻ em có quyền gì, Luật Trẻ em đề cập đến những vấn đề gì? tuyệt đại bộ phận trẻ em nông thôn hiện nay không biết được mình có quyền gì. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cũng cho thấy, số trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng thấp (10,4% tổng số trẻ em được khảo sát), tỷ lệ cha mẹ có kiến thức càng thấp hơn (chiếm 8,6%).

Rõ ràng, dù đã có một hành lang pháp lý rất vững chắc về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng việc hiện thực hóa những văn bản pháp luật vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều bất cập.

Nhiều bậc phụ huynh còn chưa đánh giá đúng vai trò của gia đình đối với sự phát triển của trẻ. Nhiều ông bố, bà mẹ để con thoải mái tiếp xúc với môi trường mạng, tiếp xúc với nhiều thông tin xấu độc mà không có kiểm soát. Cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, xâm hại tình dục, nhiều cha mẹ ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ không có được những thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những “cạm bẫy” của xã hội.

Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách đầy đủ và hoàn thiện nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Do đó, muốn trẻ em thực sự an toàn, phát triển toàn diện, gia đình mà ở đây chính là các bậc phụ huynh cần phát huy tốt hơn vai trò của người làm cha, làm mẹ, đồng hành cùng trẻ trong cuộc sống, chăm sóc và bảo vệ trẻ tránh khỏi những tệ nạn, bạo lực cả trên môi trường mạng lẫn ngoài đời thực.

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em! Để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn