Khi tôi còn là học sinh trung học trường Bưởi, tôi làm quen với đảo Hawaii (Mỹ) qua giọng hát của Tino Rossi - ca sĩ Pháp: bài Goodbye Hawaii (Tạ từ Hawaii) ca ngợi mảnh đất Thiên Thai giữa Thái Bình Dương: “Tôi xin từ biệt Hawaii/ một bầu trời xanh thẳm mê hồn/ Tạ từ Hawaii...”.
Có một điều kỳ lạ gắn Hawaii và Việt Nam là những người Pôlynêdiêng (Đa đảo) đã phát hiện ra Hawaii. Khoảng năm 200 - 500 trước CN, họ là con cháu của nhóm dân tộc Malayo-Pôlynêdiêng đã sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam trước đó hàng nghìn năm. Chứng cớ hiển nhiên là ở Hawaii và Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã đào được những công cụ giống nhau, có những từ Việt Nam cùng một gốc Malayô-Polynêdiêng, có những cây lương thực ngày xưa cùng có ở hai miền. Nhiều nhà nhân chủng học cho là những người nông ngư dân Malayô-Pôlinêdiêng ở bờ biển Hoa Nam và Việt Nam – cách đây 3000 năm bắt đầu đi thuyền về phía mặt trời mọc để tìm đất mới.
Còn có một điểm thứ ba giống nhau giữa hai dân tộc: Nhà thám hiểm Anh kiệt xuất, thuyền trưởng Cook đã đổ bộ lên các đảo Hawaii vào năm 1778 và đã đặt quan hệ buôn bán giữa Hawaii với châu Âu, châu Mỹ vả Trung Quốc. Mía là một thứ hàng có lời trong nền thương nghiệp ấy; mía được những người Pôlinêdiêng mang đến trồng ở Hawaii, sau đó người châu Âu, châu Mỹ và một số người Trung Quốc lập những đồn điền mía ở Hawaii. Những đồn điền ấy đòi hỏi thêm nhân công. Các chủ điền liền mộ hàng chục vạn phu từ châu Á (Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Philippin) và cả một số người châu Âu (Bồ Đào Nha, Đức, Nauy). Hawaii trở thành bang của Hoa Kỳ duy nhất có dân số gốc Á nhiều nhất. Người dân Hawaii tự hào họ được sống ở một nơi mà những người phương Đông, phương Tây cùng sống hòa hợp, chia nhau thức ăn, phong tục, hội hè, tôn giáo... Hôn nhân giữa các chủng tộc là chuyện bình thường. Một nửa số trẻ sinh ra mang hai hoặc nhiều dòng máu hơn nữa.
Một điểm tương tự nữa giữa Hawaii và Việt Nam: Đã có thời cả hai đều theo chế độ quân chủ. Một nhà quân sự Hawaii đại tài là Kamehameha đã thống nhất được các đảo, năm 1810, vào thời điểm các tàu ngoại quốc đến buôn bán. Triều đình Kamehameha tồn tại đến năm 1893 thì bị lật đổ. Những người lật đổ vương triều đã điều đình với Hoa Kỳ để Hawaii trở thành đất của Hoa Kỳ vào năm 1898. Năm 1959, Hawaii trở thành bang thứ 50. Phong cảnh Hawaii tương tự Việt Nam vì cùng ở trên một vĩ tuyến, khoảng vĩ tuyến 20.
Vì vậy, hoa quả, thực vật đều giống như ở Việt Nam, Hawaii còn có nhiều bãi biển đẹp, con gái xinh. Những yếu tố ấy đã khiến Hawaii trở thành một thủ đô du lịch của thế giới. Du lịch là công nghiệp dẫn đầu. Hơn 6,5 triệu người du lịch hàng năm, trong đó người Nhật chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong khi dân số toàn Hawaii là 1.100.000 người. Bãi biển nổi tiếng nhất Hawaii là Waikiki, cách Honolulu 3 dặm. Có khoảng 32.500 phòng khách sạn, hiệu ăn, cửa hàng, hộp đêm nhan nhản... Hawaii là quần đảo, trong đó có 7 hòn đảo lớn, đều có nhiều khách du lịch đến thăm. Đặc biệt, tất cả các hòn đảo đều được hình thành do núi lửa phun, từ dưới biển nhô lên, đều được nham thạch bồi cho bờ biển rộng dần ra...
Người dân nói tiếng Anh, nhưng nhiều người già vẫn dùng thổ ngữ. Người Hawaii ăn Tết theo lịch mặt trăng, nhưng cũng ăn cả Tết dương lịch. Đạo Phật và đạo Kitô tồn tại song song. Thổ ngữ Hawaii có từ Alôha (Chào, có thiện cảm) để nói lên tình hữu nghị, chấp nhận mọi cách biệt. Tinh thần Alôha gìn giữ được lâu dài. Đó có lẽ là cái cống hiến quan trọng nhất của Hawaii đối với mọi người trên thế giới!
HỮU NGỌC