Hà Nội

“Hậu” vụ khủng bố tại Bỉ: Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu

27-03-2016 17:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - ** Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã xác định 3 kẻ chủ mưu vụ tấn công- đều là những tên đã thực hiện vụ tấn công tại Paris cách đây 5 tháng. Vụ tấn công trên đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố nhưng đồng thời nó cũng cho thấy để ngăn chặn bóng ma khủng bố lây lan, Mỹ và phương Tây cần có cách tiếp cận khác trong các vấn đề toàn cầu.

Văn phòng Công tố liên bang Bỉ hôm 26/3 cho biết một nghi phạm tên là Faycal C đã bị buộc tội khủng bố trong loạt vụ tấn công kinh hoàng tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm tại Brussels sáng 22/3.  Faycal C là một trong 6 đối tượng tình nghi bị cảnh sát Bỉ bắt giữ trong các vụ bố ráp hôm 24/3. Trong khi đó, trang mạng báo "Mail" (Anh) đưa tin đã xác định danh tính "người đàn ông mặc áo trắng" và mang một chiếc túi lớn đi bên cạnh 2 kẻ tham gia vụ đánh bom sân bay Zaventem ở Brussels (Bỉ) hôm 22/3 vừa qua là Mohamed Abrini.

Trong một diễn biến mới nhất, đài RTBF của Bỉ vừa dẫn lại lời đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rằng "Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu, những gì sẽ đến sau đó sẽ còn kinh hoàng hơn". Trong đoạn trích dẫn bằng video, một phiến quân IS nhắc lại rằng chúng từng tuyên bố một năm trước sẽ tấn công Paris và Brussels, khẳng định IS đã thành công và sẽ có các mục tiêu khác. Nhiều quốc gia EU và Mỹ đã nâng mức báo động an ninh lên cấp độ cao nhất sau những cảnh báo trên.

An ninh được nâng lên mức báo động cao nhất sau những cuộc tấn công tại Bỉ.

Chỉ 5 tháng sau vụ tấn công khủng bố Paris, loạt tấn công khủng bố mới ở Brussels đã “gây sốc” đối với toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là: vì sao những kẻ khủng bố lại có thể liều lĩnh thực hiện các vụ khủng bố như vậy vào trung tâm châu Âu? Vì sao cảnh sát Bỉ không thể ngăn chặn những vụ tấn công này mặc dù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra? Đây là những câu hỏi không mới, nhưng nó bộc lộ những lỗ hổng an ninh chết người mà Bỉ từng mắc phải, khiến cho các quốc gia khác phải cảnh giác hơn.

Đặt sang một bên những nguyên nhân về lỗ hổng an ninh, sự thiếu cẩn trọng trong công tác điều tra, có thể thấy rằng cách tiếp cận của Mỹ và EU trong vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tị nạn, an ninh biên giới và rộng hơn là cuộc nội chiến Syria cũng như những bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi…đã dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm hiện nay. Việc Mỹ, phương Tây can thiệp quân sự và sử dụng nhiều tiêu chuẩn kép tại Trung Đông-Bắc Phi đã trở thành cái cớ để chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trỗi dậy. Nhiều ý kiến cho rằng những cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và các đối tượng ủng hộ chúng tại châu Âu, châu Phi, Trung Đông… như là một cách phản ứng với tham vọng chi phối quyền lực chính trị của phương Tây và Mỹ ở những khu vực này. Điều nguy hiểm là sự chống đối ấy không đơn thuần diễn ra trong những xung đột cục bộ địa phương về sắc tộc và tôn giáo, mà đang trở thành một phong trào thánh thiến chống lại xu hướng toàn cầu hóa và vai trò của Mỹ, phương Tây trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu.

Chính sách phân biệt sắc tộc và đánh đồng Hồi giáo truyền thống và Hồi giáo cực đoan cũng đã nuôi dưỡng thêm những tư tưởng hận thù ngay trong lòng châu Âu. Thậm chí, hội chứng “Sợ hãi đạo Hồi” đang trở thành một hiện tượng tại phương Tây khiến cho người Hồi giáo bị tổn thương, trở thành nạn nhân của chính sách bài Hồi giáo. Chính sự cô lập, bài xích trong một xã hội phương Tây hiện đại hay việc đóng cửa biên giới ngăn dòng người nhập cư Hồi giáo.. đã trở thành mảnh mất mầu mỡ để những tư tưởng cực đoan trỗi dậy, để IS phát triển nhanh chóng.

Rõ ràng, cách tiếp cận trên đã và đang khiến phương Tây phải trả giá theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” khi IS phát động thánh chiến khắp nơi và liên tục thực hiện các vụ khủng bố kinh hoàng khiến thế giới rúng động.

Để ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố tương tự không phải là việc đơn giản trong một sớm một chiều. Thực tế cho thấy để làm được điều ấy, EU và Mỹ phải có một cách tiếp cận khác thay vì những chính sách cứng rắn và việc áp dụng các tiêu chuẩn kép hiện nay.

Hiện tại, các vụ tấn công hàng loạt ở Bỉ đã khởi lên những tranh cãi về vấn đề trao đổi thông tin và phối hợp chống khủng bố ở châu Âu. Dự kiến, những ngày sắp tới, Nghị viện châu Âu sẽ nhóm họp để bàn về chủ đề này.

Thực tế cho thấy việc chi tiền cho các dự án giúp người Hồi giáo hoà nhập với cuộc sống mới là điều cần thiết, song việc xây dựng những chính sách mới ôn hòa, hướng thiện, thực sự tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, văn hóa còn là điều quan trọng hơn đối với phương Tây trong bối cảnh hiện nay.


N.Quang
Ý kiến của bạn