Hậu trường “Đuổi hình bắt chữ” phiên bản mới: Xuân Bắc vẫn “đắt”

30-03-2009 16:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

Suốt 5 năm qua, gameshow Đuổi hình bắt chữ luôn hấp dẫn khán giả. Sự thông minh, hóm hỉnh, cách dẫn chương trình có duyên và linh hoạt của MC Xuân Bắc chính là sức hút giữ chân người xem vào mỗi tối thứ 7 trên Đài truyền hình Hà Nội.

Suốt 5 năm qua, gameshow Đuổi hình bắt chữ luôn hấp dẫn khán giả. Sự thông minh, hóm hỉnh, cách dẫn chương trình có duyên và linh hoạt của MC Xuân Bắc chính là sức hút giữ chân người xem vào mỗi tối thứ 7 trên Đài truyền hình Hà Nội. Nhân dịp ra mắt phiên bản Đuổi hình bắt chữ mới, chúng tôi “bật mí” những chuyện thú vị nơi hậu trường của gameshow ăn khách này.

Công chúng hẳn sẽ nghĩ sau 300 chương trình Đuổi hình bắt chữ (ĐHBC), đồng nghĩa với việc Xuân Bắc đã phải sắm cho mình 300 chiếc áo lòe loẹt chim cò (bởi không thấy anh mặc cái nào đến... lần thứ hai), thì với phiên bản mới, liệu trang phục cho MC có thay đổi không? Xuân Bắc tâm sự, thực ra anh cũng đã định “đổi mới” theo “phong cách rất đặc trưng” của chương trình: mặc áo pull có vẽ hình đáp án. Nhưng làm thử thấy giá thành lên cao quá, không “kham” nổi, thế nên chỉ trong dịp ngày lễ, MC mới “chịu chơi” với bộ trang phục đặc biệt chỉ ĐHBC mới có. Còn bình thường, anh vẫn sẽ mặc theo phong cách “co chìm” rất chi là lòe loẹt, hoa hòe hoa sói. Chả thế mà các chị bán “hàng thùng” cứ thấy anh đi qua là ới ngay và anh không thể không lượn vào sắm vài ba cái áo chim cò cho mình.
 
 MC Xuân Bắc vẫn tiếp tục đồng hành cùng Đuổi hình bắt chữ.
Bên cạnh đó Xuân Bắc cũng có nhà thiết kế riêng của chương trình hẳn hoi là nhà thiết kế Nguyễn Tiến Dũng. Cái khó khi thiết kế trang phục cho Xuân Bắc là phải làm sao chọn cho ra màu sắc, hoa văn nổi “bần bật” cái chất hài hước rất đặc trưng của ĐHBC. Có những bộ nhìn ngoài thì đẹp đấy, nhưng lên hình lại không đẹp. Nhiều bộ khi mua, người bán đã phải cảnh báo trước là khó mặc, kén người lắm đấy! Ấy thế nhưng khi lên hình ai cũng thấy rất thành công, rất hợp với phong cách đuổi hình bắt chữ .

ĐHBC là gameshow đầu tiên của Xuân Bắc với truyền hình.  Đài truyền hình Hà Nội đã tạo cho Xuân Bắc cơ hội xuất hiện thường xuyên trên truyền hình nên anh gắn bó với chương trình cũng là điều dễ hiểu. Người dẫn chương trình Đuổi hình bắt chữ ở Anh (nơi khởi nguồn của gameshow  này) đã dẫn chương trình này suốt 27 năm liền, từ khi còn trẻ tới khi về già. Còn Xuân Bắc, qua 5 năm cũng đã thay đổi hẳn, từ một trai tân độc thân, “mịn màng” (ấy là anh tự nhận mình thế), nay anh đã già “xù xì” và sắp có con thứ hai.

Vì là một gameshow có tính hài hước, vui nhộn nên những người chơi được chọn cũng đều thông minh, hóm hỉnh. Chính vì thế mà MC vốn xuất thân từ nghệ sĩ hài như Xuân Bắc nhiều khi cũng “chào thua” trước những người chơi “trên cơ” khi anh luôn cố gắng gợi ý sao cho người chơi giải được đáp án. Khi phóng viên hỏi vui: “Có bao giờ người xem “cưa đôi” phần thưởng cho Xuân Bắc không? Bật cười anh bảo, có một lần, bạn Mộng Thu (giáo viên trường mẫu giáo) gửi tặng một phong bì, hồi hộp tôi mở ra là 50.000 đồng. Tuy món quà nhỏ, nhưng đến nay tôi vẫn giữ làm kỷ niệm.

Sức hấp dẫn không cưỡng nổi của trò chơi giải trí này nằm ở đáp án thú vị mà lắm khi không thể đoán nổi. Hẳn các bạn sẽ tò mò, không hiểu những câu hỏi, hình vẽ, đáp án rất thông minh, đầy bất ngờ đó lấy từ “kho” nào ra mà lắm thế. Đạo diễn Mạnh Cường hé lộ, ê-kíp làm chương trình phải thường xuyên “vắt óc” để nghĩ ra những đáp án và hình vẽ sao cho đảm bảo tiêu chí vừa bất ngờ vừa hài hước. Tuy nhiên cũng có đáp án họa sĩ không tài nào vẽ được. Nhất là với những từ tượng thanh, những câu hình ảnh. Chẳng hạn như đáp án “trời nồm”... biết vẽ thế nào đây. “Khi làm chương trình, bao giờ chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí người chơi để đoán trước, tránh đưa ra những hình vẽ đánh đố quá. Có những khi giải được đáp án chúng tôi thích thú, cười rinh rích với nhau suốt.” - đạo diễn Mạnh Cường kể.

Bắt đầu từ tháng 3/2009, ĐHBC đưa ra phiên bản mới với nhiều thay đổi sau một chặng đường dài 5 năm. Đó là sự thay đổi cần thiết để tránh sự nhàm chán khi phải “ăn một món ngon” quá lâu, mặc dù đây vẫn là một trong những chương trình thu được nhiều quảng cáo nhất cho nhà đài. Format mới vẫn mua bản quyền của nhà sản xuất cũ (Mỹ). Phiên bản chính từ Anh quốc nhưng nội dung đã được Việt hóa rất nhiều và nhà đài cũng tham khảo từ ĐHBC ở những quốc gia phù hợp, gần gũi với Việt Nam. Với những cải tiến mà khán giả đã chứng kiến, hy vọng gameshow sẽ ngày càng hấp dẫn người xem hơn nữa để nó có thể trụ vững trên sóng truyền hình Việt Nam lâu như từng ở nước ngoài: tới gần 30 năm!     

Thiên Hương


Ý kiến của bạn