Hậu thảm họa máy bay rơi, ngành du lịch Ai Cập có sụp đổ?

10-11-2015 08:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hãng tin TASS dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết giả thuyết về hành động khủng bố khiến chiếc máy bay A321 của Nga khiến 224 người thiệt mạng vẫn đang được phía Nga xem xét. Trong khi đó, ngành du lịch Ai Cập như “ngồi trên đống lửa” do những hệ quả khôn lường từ thảm hoạ này .

Cố vấn Bộ trưởng Bộ du lịch Ai Cập, ông Mohamed Yousef cho biết việc nhiều nước đình chỉ các chuyến bay tới Ai Cập và khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là Anh và Nga rút về nước sau vụ tai nạn máy bay của Nga, có thể khiến Ai Cập mất đi 70% lượng khách du lịch.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay A321 của Nga hôm 31/10 tại bán đảo Sinai của Ai Cập, nhưng trong tuần qua, nhiều nước, trong đó có Nga, Anh, Ailen, Đức, Hà Lan đã tuyên bố tạm thời đình chỉ các chuyến bay tới Ai Cập vì lý do an toàn. 11 ngày sau thảm hoạ, Nga đã sơ tán hơn 15.000 công dân về nước đồng thời tạm dừng hoàn toàn các chuyến bay tới Ai Cập. Bộ Ngoại giao Bỉ cho biết khoảng 700 du khách đến từ Bỉ hiện đang bị kẹt tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập sẽ được đưa về nước trước ngày 12/11.

Ngành hàng không Ai Cập cũng bị những tác động tiêu cực tự vụ rơi máy bay Nga. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã quyết định đổi hướng bay qua Ai Cập như Anh, Pháp và một số quốc gia vùng Vịnh đồng thời tìm đến những hãng hàng không khác để hợp tác thay vì Ai Cập. Chỉ số chứng khoán lớn nhất của Ai Cập là EGX30 cũng liên tục sụt giảm. Ngày giao dịch đầu tiên của tuần này hôm 8/11, chỉ số EGX30 mất 2,6%. Sang ngày 9/11, EGX30 tiếp tục mất thêm 2,84% nữa và chưa biết chuỗi giảm điểm này đến khi nào sẽ dừng lại.

A1: Một chiếc máy bay đỗ tại sân bay Ai cập

Ông Mohamed Yousef cho biết lượng khách du lịch người Nga tới Ai Cập hàng năm khoảng 3 triệu người, còn khách du lịch người Anh khoảng hơn 1 triệu người. Việc khách du lịch của 2 nước này rút khỏi Ai Cập sẽ là một đòn nặng giáng vào ngành công nghiệp du lịch Ai Cập. Theo RT, trước khi thảm hoạ máy bay 31/10 xảy ra, Ai cập hy vọng đón tới 10 triệu du khách vào cuối năm nay. Riêng trong tháng 8 vừa qua, Ai cập đã đón tới 6,6 triệu lượt du khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê, du lịch cũng chiếm tới 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang về 15% doanh thu ngoại tệ cho Ai Cập hàng năm.

Vụ tai nạn máy bay hôm 31/10 tại bán đảo Sinai đã làm đảo lộn mọi kế hoạch đặt ra. Hiệp hội các nhà điều hành du lịch của Nga cho biết, đã có sự sụt giảm trong về số lượng tua du lịch tới Ai Cập sau khi thảm hoạ xảy ra. “Đó là điều hoàn toàn tự nhiên, sau một thảm họa tai nạn khủng khiếp như vậy, mọi người sẽ có sự lo ngại nhất định. Vì thế, các tua đi Ai Cập đã giảm nghiêm trọng”, người đứng đầu Hiệp hội các nhà điều hành tua du lịch Nga Maya Lomidze cho biết “Lượng tua du lịch đã giảm 30 đến 50% so với tuần trước đó”.

 

 Hậu thảm họa máy bay rơi, ngành du lịch Ai Cập có sụp đổ?

Một máy bay ở sân bay Ai Cập.

 

Du khách quốc tế “tháo chạy” khỏi Ai cập

Cho đến nay, vẫn chưa có kết quả điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Nga dù cả hai hộp đen của máy bay gặp nạn đã được tìm thấy và trích xuất dữ liệu và phân tích. Đã có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến thảm họa đã được đưa ra, đặc biệt là giải thuyết bị tấn công khủng bố. Trả lời phỏng vấn “Báo Nga” phát hành vào hôm nay (11/11), Thủ tướng Medvedev nói: “Khả năng về hành động khủng bố, tất nhiên, vẫn đang được xem xét trong số các nguyên nhân của những gì đã xảy ra”.

“Ngành du lịch Ai cập chắc chắn bị ảnh hưởng, và việc khôi phục sẽ là một nhiệm vụ khó khăn”, ông Ziad Akl, Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al Ahram tại Cairo nói “Mặc dù chưa có kết luận về nguyên nhân thực sự vụ tai nạn chiếc máy bay của Nga, nhưng nhiều người cho rằng, đây không còn là một nơi an toàn”.

Du lịch là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của kinh tế và là nguồn thu từ nước ngoài chủ yếu của Ai Cập. Chính phủ Ai Cập cũng đã lên kế hoạch thúc đẩy và quảng bá du lịch mới tuần vừa qua. Ai Cập cũng đã lạc quan dự báo sẽ đạt doanh thu năm 2016 từ du lịch từ khoảng 8 đến 10 tỷ USD. Tuy nhiên, sau vụ tại nạn, giới chức Ai Cập sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong chiến dịch quảng bá và thu hút du lịch của nước này.

Theo tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tính đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Ai Cập ở mức báo động, chỉ đạt gần 16 tỷ đôla Mỹ - số tiền không đáp ứng đủ các khoản chi cho gần 3 tháng nhập khẩu của cả nước. Nếu giả thuyết máy bay bị khủng bố được xác nhận, Ai Cập sẽ phải đối mặt thêm rất nhiều áp lực và khó khăn với sự suy giảm sâu về nguồn thu du lịch, nguy cơ phá sản chiến lược thu hút vốn đầu tư cho các dự án kinh tế lớn do sự suy giảm niềm tin của giới đầu tư. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống En Si-si sẽ phải đối mặt với áp lực lớn của dư luận trong nước, đặc biệt là khả năng điều hành và đảm bảo an ninh trên toàn lãnh thổ đất nước. Tiếp đến là sự hoài nghi về chính sách đối ngoại theo hướng thân Nga của Tổng thống En Si-si./.

N.Minh (Theo RT, CNN, Reuters)

 


Ý kiến của bạn
Tags: