Từ sáng mùng 8 Tết, cũng là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày, tại bến xe phía Nam, bến xe Mỹ Đình, khu vực bến chờ xe buýt đông nghẹt hành khách, các xe buýt đều phải hoạt động hết công suất để giải tỏa hành khách khỏi bến. Cùng với đó, tại các khoa, phòng khám bệnh ở các bệnh viện, số người tới khám bệnh cũng tăng dần.
“Chặt chém” khách vô tội vạ
Theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống vào thời điểm 9 giờ sáng ngày 18/2 (mùng 9 Tết), lượng xe khách về bến ngày càng đông, đặc biệt, cứ vài phút lại có một xe khách đầy ắp hành khách vào bến khiến khu vực xe buýt trở nên quá tải, nhiều hành khách đổ xô ra ngoài để đón taxi, xe ôm dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông khu vực cửa bến. Theo phản ánh của nhiều hành khách, hầu hết các xe đều nhồi khách, đón khách dọc đường và “chặt chém” vô tội vạ, đặc biệt là những chuyến xe cuối ngày. Do lượng phương tiện đổ về Hà Nội tăng mạnh nên tình trạng ùn tắc giao thông đã diễn ra và kéo dài trên nhiều tuyến quốc lộ, đặc biệt trên các tuyến dẫn vào thành phố. Trong đó, nóng bỏng nhất là QL 5, QL 1B, QL 21, QL 6... Tại QL 5, đoạn chân cầu Thanh Trì, Hà Nội, ùn tắc giao thông đã kéo dài trong nhiều giờ, các phương tiện di chuyển khó khăn, phải mất nhiều giờ mới có thể thoát khỏi đoạn đường này. QL 1B đoạn qua cầu Vạn Điểm, do có vụ va chạm giữa xe container và xe du lịch nên các phương tiện bị ùn ứ kéo dài chiều về Hà Nội. Tương tự, đại lộ Thăng Long đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội xảy ra vụ va chạm giao thông giữa 2 xe du lịch khiến tuyến đường này cũng bị ùn tắc nghiêm trọng.
Quyết liệt đảm bảo trật tự ATGT sau Tết Quý Tỵ Ngày 18/2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch UBATGTQG đã ban hành công điện yêu cầu Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Cụ thể, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là các lỗi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện; dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định và tăng giá vé quá mức quy định… Các địa phương xây dựng phương án tổ chức giao thông, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự ứng trực thường xuyên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là các khu vực tổ chức lễ hội xuân, có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, kiên quyết không để ùn tắc giao thông kéo dài. N. Thành |
Bệnh viện cũng “nóng”
Theo số liệu thống kê từ phòng hàng chính tổng hợp của các bệnh viện tuyến Trung ương, số người nhập viện lại tiếp tục điều trị sau nghỉ Tết bắt đầu tăng cao. Áp lực thăm khám bệnh và số lượng bệnh nhân tại các phòng khám tăng từ 20 - 30% so với dịp cận Tết. Đặc biệt, theo ghi nhận của PV, tại Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân chạy thận vẫn không giảm, thậm chí tăng kể cả những ngày cận Tết, trong Tết và sau Tết.
![]() Bác sĩ điều chỉnh máy chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Ảnh: ĐA |
Tại Bệnh viện Việt Đức, khoa cấp cứu luôn ở tình trạng “báo động đỏ” ngay cả những ngày sau Tết. PV báo SK&ĐS có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức trong ngày 17/2 (mùng 8 Tết), chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ đã ghi nhận Khoa Cấp cứu tiếp nhận 4 ca cấp cứu (phần lớn do tai nạn giao thông). Và như vậy, chỉ riêng trong mấy ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận gần 100 ca khám, cấp cứu, chủ yếu do tai nạn giao thông. Theo BS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện, trong 4 ngày Tết Nguyên đán, từ 29 đến mùng 3 Tết, Bệnh viện đã tiếp nhận 515 ca khám cấp cứu, trong đó có 284 trường hợp bị tai nạn giao thông; trong số này có 187 trường hợp bị chấn thương sọ não.