“Hậu” tấn công quân sự Syria: Cần một cách hành xử có trách nhiệm

15-04-2018 09:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - 2 ngày sau khi Mỹ, Anh và Pháp tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Syria, phản ứng của các bên liên quan vẫn nằm trong giới hạn để tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống. Sự kiềm chế này phần nào khiến đối đầu trực diện Nga-Mỹ hay nguy cơ về một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 3 chưa nổ ra. Nhưng tình thế Syria chắc chắn lại rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.

Sau đợt không kích đầu tiên của Mỹ và 2 đồng minh là Anh và Pháp nhằm vào các mục tiêu ở Syria, dư luận chờ đợi kịch bản Mỹ sẽ mở thêm các chiến dịch tấn công mới nhằm vào Damacuss. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố, Mỹ sẽ thực hiện các cuộc tấn công liên tục cho đến khi Syria ngừng sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường. Tuy nhiên, phát biểu đầu tiên của ông Trump sau cuộc không kích Syria rằng “sứ mệnh đã hoàn thành với một kết quả không thể tốt hơn” dường như mang một thông điệp khác. Điều này chuyển tải một thông điệp là Mỹ đã “thị uy” đủ với Syria và các đồng minh của Syria và rằng Mỹ có thể “làm chủ” mọi cuộc chơi dù ở Syria, Trung Đông hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đó là quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Nhưng chính trong nội bộ nước Mỹ đang tồn tại nhiều chia rẽ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ bà Pelosi nghi ngại về chiến lược của Tổng thống Trump đối với Syria và viện dẫn những quy định của luật pháp Mỹ để yêu cầu ông Trump phải trình lên Quốc hội nếu định tiến hành thêm bất kỳ một chiến dịch quân sự quy mô lớn nào khác nhằm vào Syria. Nhiều nghị sỹ khác trong Quốc hội Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối. Nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh cũng đã nổ ra ở nước Mỹ, đặc biệt là trước cửa Nhà Trắng. Chỉ tấn công Syria trong một đợt không kích, vì thế, vụ tấn công quân sự Syria mà Mỹ vừa tiến hành dường như mang ý nghĩa về mặt chính trị nhiều hơn là quân sự.

Về phần mình, Nga đã phản ứng một cách thận trọng hơn dự đoán. Nga chỉ đưa ra các tuyên bố lên án cuộc tấn công của Mỹ, chứ không trả đũa bằng quân sự. Điều đó cho thấy một sự tính toán và kiềm chế trong phản ứng của Nga. Thực ra, Nga đã nhận thấy các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria  bản chất mang tính răn đe và quy mô quân sự chỉ dừng ở các động thái đe dọa. Mặc dù tuyên bố là quy mô tấn công Syria lần này gấp đôi so với vụ tấn công Syria năm 2017 với hơn 100 quả tên lửa Tomahawk, song Mỹ đã tính toán kỹ lưỡng để các mục tiêu tấn công không rơi vào những khu vực có lực lượng Nga đồn trú trên đất Syria để tránh nguy cơ đối đầu trực diện. Rõ ràng cả Nga và Mỹ đều tính toán kỹ lưỡng những bước đi để tránh tổn hại lẫn nhau trên các phương diện.

Giới phân tích cho rằng sau vụ việc này, Nga-Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu nhau một cách gay gắt hơn. Từ những căng thẳng trong vấn đề Ukraine; việc Nga-Mỹ đối đầu nhau ủng hộ các bên tại Syria hay mới đây nhất là những đụng độ nảy lửa giữa Nga-Anh, Mỹ và phương Tây liên quan đến vụ Skripal; và nay là việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công quân sự Syria cho thấy mối quan hệ giữa các bên chưa thể vãn hồi ở thời diểm hiện tại. Một vấn đề nữa khiến dư luận đặc biệt quan tâm là những hệ lụy nguy hiểm đối với khu vực, khi Trung Đông đang tiềm ẩn các điểm nóng xung đột. Nếu quan hệ các nước lớn như Nga-Mỹ đổ vỡ, sẽ tác động rất xấu tới các trục quan hệ khác tại Trung Đông, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết với nhóm P5 1.

Trong một tuyên bố đưa ra chiều nay,  Iran cảnh báo chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria sẽ gây ra những "hậu họa trong khu vực". Thậm chí khiến thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ. Đây cũng là lý do buộc Nga, Mỹ hay các nước phương Tây phải cân nhắc trong từng hành động.

Trong bối cảnh các nước lớn đối đầu nhau, Syria- quốc gia đã trải qua 7 năm chiến tranh tàn khốc – tiếp tục chìm trong cuộc tranh giành địa chiến lược của các cường quốc. Tại Trung Đông, người ta đã chứng kiến nhiều bi kịch Iraq, Lybia, và nay là Syria. Dư luận thấy rõ chừng nào các nước lớn chưa chia xong miếng bánh lợi ích thì chừng đó tương lai của Syria vẫn mong manh. Vũ khí hóa học – bất kỳ lúc nào cũng có thể trở thành cái cớ hoàn hảo để khiến Syria trở thành miếng mồi ngon để các cường quốc tranh giành ảnh hưởng, quyền lực.

Tên lửa Tomahawk của Mỹ bắn trên bầu trời Syria

Tên lửa Tomahawk của Mỹ bắn trên bầu trời Syria

Trong một diễn biến mới nhất, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 14/04 đã không thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất nhằm lên án cuộc tấn công đối với Syria do Mỹ, Anh và Pháp thực hiện. Theo kết quả bỏ phiếu, chỉ có Nga, Trung Quốc và Bolivia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Nga soạn thảo, 8 nước bỏ phiếu không ủng hộ và bốn nước bỏ phiếu trắng. Để được thông qua, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị phủ quyết bởi bất kỳ một trong các thành viên thường trực Hội đồng bảo an gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên cùng kiềm chế trong các tình huống nguy hiểm để tránh các hành động leo thang và có thể làm sự chịu đựng của người dân Syria tồi tệ hơn.

Thời điểm hiện nay, dư luận trông đợi vào cách hành xử có trách nhiệm của các cường quốc trong vấn đề Syria. Việc sử dụng giải pháp quân sự để làm leo thang căng thẳng tại Syria liệu có mang lại lợi ích thực sự cho các nước hay không? hay chỉ khiến tình hình thêm nguy hiểm? Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phản đối can thiệp vào Syria, liệu các cường quốc có thể hành xử một cách có trách nhiệm?


N.Minh
Ý kiến của bạn