Tắc ruột do bã thức ăn rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân trước mổ, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm. Vì vậy, việc phòng tránh là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân
Bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu, tùy theo thành phần của nó, người ta chia thành nhiều loại như: bã thức ăn thực vật, khối bã thức ăn động vật, khối lông tóc... Loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật. Khối bã thức ăn này được hình thành ở dạ dày và di chuyển xuống ruột non khi dạ dày không còn toàn vẹn sau nhiều phẫu thuật khác nhau như: cắt dạ dày, cắt dây X, nối vị tràng...
Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là: người già răng rụng (làm giảm sức nhai), người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn (khả năng tiêu hóa thức ăn kém), người ăn hoa quả nhiều chất xơ (măng, mít, cam) hoặc nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm), trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi... Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải được phẫu thuật để lấy khối bã.
Tắc ruột do bã thức ăn thường gặp khi bệnh nhân ăn phải thức ăn có nhiều xơ, sợi dai, khó tiêu như: măng, xơ mít..., hay gặp ở người có vấn đề như: giảm độ toan dịch vị, do viêm xơ tụy, suy tụy hoặc không nhai được do đau răng, rụng răng. Người bệnh tâm thần, người già, sau cắt đoạn dạ dày cũng là nguyên nhân dẫn đến tắc ruột do bã thức ăn.
Tắc ruột do bã thức ăn.
Nhiều hệ lụy
Tắc ruột do bã thức ăn rất khó chẩn đoán, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm.
Trong tắc ruột non các rối loạn của đoạn ruột trên chỗ tắc xảy ra nhanh chóng và nặng. Lúc đầu do cơ chế thần kinh nhu động ruột và phản nhu động ruột tăng mạnh về sau giảm dần và mất khi thành ruột bị tổn thương. Ruột trên chỗ tắc trướng, căng giãn do chứa hơi và dịch ứ đọng. Sự tăng áp lực trong lòng ruột gây ứ trệ tĩnh mạch, giảm tưới máu mao mạch, làm niêm mạc ruột bị tổn thương, phù nề, sung huyết dẫn đến giảm và mất quá trình hấp thu gây ứ đọng trong lòng ruột. Nôn nhiều làm giảm ứ dịch trên chỗ tắc và áp lực cao trong lòng ruột, nhưng nôn nhiều nhất là trong tắc ruột cao làm nặng thêm tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, thăng bằng kiềm toan và dễ dẫn đến suy thận cơ năng. Tình trạng bụng trướng, ứ dịch hơi trong lòng ruột, xuất tiết dịch ra ổ bụng... làm cơ hoành bị đẩy lên cao, các động tác hô hấp hạn chế, giảm thông khí phổi và ảnh hưởng tới cơ chế bù trừ. Đoạn dưới chỗ tắc trong những giờ đầu nhu động ruột đẩy phân và hơi xuống làm ruột xẹp toàn bộ.
Làm sao để phòng tránh tắc ruột?
Các cảnh báo cho thấy khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, xoài xanh, ổi... và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng...
Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Vì thế, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống nhất là cho người cao tuổi:
Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ... nhai kỹ khi ăn - đặc biệt là người già. Ngoài ra, mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày. Tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt). Không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (như nhãn, vải, táo) mà nuốt luôn cả hột.
Ngoài ra, khi ăn rau nên nhớ ăn thêm các loại rau có độ nhớt (rau đay, mùng tơi, đậu bắp..) vì những loại này có chất xơ hòa tan với nước, dễ thấm hút nước chống táo bón. Khi ăn trái cây có nhiều chất chát không nên ăn quá nhiều, không ăn lúc đói và không ăn chung với thức ăn có nhiều đạm.