Hà Nội

Hậu quả nghiêm trọng từ hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư

30-09-2013 07:25 | Thời sự
google news

Chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, khó phân hủy nếu tồn tại trong môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người dân chưa có ý thức phân loại sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, khó phân hủy nếu tồn tại trong môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người dân chưa có ý thức phân loại sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây nhất việc Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn lấp chất thải, hóa chất gióng lên tiếng chuông cảnh báo về vấn đề xử lý thuốc bảo vệ tồn dư.

Vi phạm nghiêm trọng về môi trường

Những ngày này, dư luận lên án mạnh mẽ những vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường trong việc chôn lấp chất thải, hóa chất quá niên hạn sử dụng trong khuôn viên cơ sở sản xuất của Công ty CP Nicotex Thanh Thái (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

Hậu quả nghiêm trọng từ hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư  1
 Vỏ bao đựng thuốc bảo vệ sau khi sử dụng tràn lan trên đồng ruộng.

Sau nhiều lần người dân gửi đơn thư tố cáo lên các cấp có thẩm quyền, đã có nhiều đoàn đến thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trong vùng. Trước thực trạng nói trên, cuối tháng 8, người dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy đã tự vào cuộc, đào bới và phát hiện nhiều thùng phuy, vỏ chai lọ, bao bì, kể cả những thành phẩm thải loại đã được chôn dưới đất. Ðến thời điểm này, ngoài 380kg hóa chất đã chôn hóa chất hết niên hạn sử dụng trong bể gạch ngay dưới sân đầu hồi phân xưởng sản xuất mà lãnh đạo công ty khai báo thì còn có chín địa điểm chôn thùng phuy, bao bì, thành phẩm thải loại được chôn trong khuôn viên cơ sở sang chai, đóng gói các thành phẩm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Có điểm chôn lấp chỉ còn trơ khung đai thùng phuy lẫn bao bì. Có chỗ người dân vô tình đâm thủng lớp sắt hoen gỉ, dòng nước bên trong chảy ra, dậy mùi nồng, hắc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, toàn quốc hiện có trên 1.153 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, bao gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu ở 39 tỉnh. Tại 25 tỉnh, qua khảo sát đã tìm thấy khoảng 70 tấn hóa chất BVTV tồn lưu trên mặt đất và ước tính khoảng 150 tấn trên cả nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là số tồn dư hóa chất BVTV đã được tìm thấy ở các điểm chôn lấp lẫn với đất trên cả nước có số lượng ước tính tới 1.140 tấn. Các kho lưu trữ đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống thoát nước tại các kho chứa hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt rửa trôi hóa chất BVTV tồn đọng gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân.

Trước tình hình trên, Tổng cục Môi trường đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan khẩn trương điều tra, xác định thời gian, các vị trí chôn lấp hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong và ngoài khu vực công ty. Yêu cầu công ty khẩn trương xây dựng các giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm, trước mắt tập trung lấy mẫu phân tích, xác định, khoanh vùng và cô lập các khu vực ô nhiễm. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và điều tra, xem xét xử lý cá nhân, tập thể có liên quan việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ðiều tra, xác định mức độ thiệt hại về kinh tế, môi trường do việc ô nhiễm môi trường gây ra làm căn cứ đền bù cho nhân dân khu vực ảnh hưởng.

Con người gánh chịu

Thuốc bảo vệ thực vật được xem là một loại chất độc, để lại những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm nguồn nước, gây độc cho người và các loại động vật, làm mất cân bằng tự nhiên, suy giảm đa dạng của sinh động vật, xuất hiện nhiều loại dịch hại, tạo tính chống thuốc của dịch… Những năm gần đây, người sản xuất nông nghiệp thường lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhóm hữu cơ khó phân hủy. Thậm chí một số chất đã nằm trong diện bị cấm sử dụng như DDT, 666... vẫn được sử dụng.

Hậu quả nghiêm trọng từ hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư  2
 Các thùng phuy chứa thuốc sâu hết hạn sử dụng được người dân đào được tại Công ty
Thanh Thái. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Thuốc bảo vệ thực vật không được sử dụng đúng, xử lý đúng, nếu tồn tại trong môi trường, khó phân hủy sinh học, nếu tồn tại trong môi trường theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm tàng trong không khí, thức ăn, nước uống sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu nhưng chưa có giải pháp nào được đánh giá là hữu dụng, khả thi. Vì vậy, đối với các kho chứa tồn dư từ trước cần sớm được xử lý. Đối với các công ty đang sản xuất, đóng gói, phân phối sản phẩm cần có những cam kết, quy định theo đúng kỹ thuật nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Mặt khác cần có chế tài chặt chẽ giúp hạn chế vi phạm. Đối với người dân, để giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp thì cần tuyên truyền cho bà con về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, cần có những hướng dẫn cụ thể về sử dụng, phân loại xử lý rác thải để hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Hiện nay, một số địa phương đã có mô hình về xử lý phân loại rác thải thuốc bảo vệ thực vật trong đó có tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang,…

Theo PGS.TS. Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, trong xử lý vẫn áp dụng biện pháp chôn lấp, tuy nhiên, điều quan trọng là chôn lấp đúng hay chưa đúng quy cách. Điểm chôn lấp không đúng quy cách sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với các nguồn tồn lưu trên mặt đất vì chúng có quy mô lớn và ít được kiểm soát hơn.

Vì vậy, ngoài việc xử lý các điểm kho chứa thì việc tăng cường việc tuyên truyền cảnh báo cho người dân hạn chế việc trồng trọt sản xuất trên những vùng đất đã xác định đang còn thuốc tồn dư bảo vệ thực vật.

Mai Luận


Ý kiến của bạn