Hậu quả nghiêm trọng từ hiệu ứng đám đông

24-07-2017 08:36 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương rộ lên thông tin về việc xuất hiện một số đối tượng nghi bắt cóc trẻ em.

Thông tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và cả ở ngoài đời thực, khiến nhiều người dân luôn đề cao cảnh giác. Tuy nhiên, việc người dân khi thấy người lạ mới chỉ nghi ngờ họ là người xấu đã có hành vi hành hung, hủy hoại tài sản như một số vụ việc gần đây là một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, đáng lên án.

Nghi ngờ là đánh - Nguy hiểm

Liên quan đến vụ việc hai phụ nữ bán tăm bị đánh oan vì nghi đi bắt cóc trẻ em xảy ra vào trưa 22/7 tại khu 1, xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, thông tin từ Công an huyện Sóc Sơn cho biết, danh tính hai người được xác định là L.T.B (40 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) và  N.T.P (52 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội). Cả hai đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương (HTX) huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm gây quỹ tình thương. Khi đến thôn Thái Phù, thấy cháu Đ.H.A (5 tuổi), hai người gọi cháu thì bị hiểu lầm là bắt cóc và bị người dân đuổi theo, đánh đập, khiến hai người bị thương. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Sóc Sơn đã kịp thời cử tổ công tác xuống hiện trường đưa các chị B. và P. đến BVĐK Sóc Sơn để khám và điều trị, đồng thời tiến hành lấy lời khai người có liên quan, xác định chị B. và chị P. không có hành vi bắt cóc trẻ em. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Sóc Sơn tập trung điều tra, xử lý các đối tượng đánh người gây thương tích.

Bị hành hung, hủy hoại tài sản do “nghi ngờ bắt cóc trẻ emChiếc ô tô của anh Đinh Mạnh Hải bị thiêu rụi hoàn toàn.

Trước đó, Công an huyện Thanh Hà đã thông tin chính thức về vụ nghi vấn thôi miên, bắt cóc trẻ em ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương), gây ra vụ đốt xe ôtô, tụ tập đông người gây xôn xao dư luận. Cụ thể, Trung tá Lê Minh Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Hà cho biết, không có việc thôi miên, bắt cóc trẻ em. Hiện nay, Công an huyện Thanh Hà đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản của những đối tượng quá khích.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 18 giờ chiều 20/7, anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980, trú tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), là Giám đốc kinh doanh của Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi DANREDS ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cùng lái xe Lê Văn Nam (SN 1988, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) đi xe ôtô 34A-121.79 về nhà người thân ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà chơi. Trên đường về, hai anh này đã vào cửa hàng của vợ chồng anh Phạm Đăng Bắc (SN 1984, trú tại thôn Đồng Hởi) hỏi mua đồ gỗ. Anh Bắc đã chỉ cho anh Hải sang kho nhà mình gặp chị Quyên (vợ anh Bắc) để xem đồ nội thất. Trong khi đang trao đổi với anh Hải, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi, nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội, chị Quyên chạy ra ngoài tri hô mọi người đến cứu.

Thấy chị Quyên cầu cứu, nhiều người đã kéo đến đòi đánh anh Hải và anh Nam. Đáng chú ý, trong đám đông đã có một số đối tượng quá khích đã kích động một số người lật xe ôtô của anh Hải xuống ruộng, đốt cháy hoàn toàn. Thời điểm xảy ra vụ việc, khoảng 1.000 người đã kéo đến đòi vây đánh những người trên vì cho rằng họ thôi miên, bắt cóc trẻ em.

Cần tỉnh táo và ứng xử văn minh

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc đập phá và đốt xe ôtô Fortuner vì nghi bị thôi miên là hành vi vi phạm pháp luật. Những người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Tùy vào giá trị tài sản bị hủy hoại là chiếc xe ôtô Fortuner có giá trị bao nhiêu thì khung hình phạt tương ứng. Theo quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bị hành hung, hủy hoại tài sản do “nghi ngờ bắt cóc trẻ emMột phụ nữ bị hiểu nhầm là có hành vi bắt cóc trẻ em đã bị người dân hành hung.

Cụ thể trong vụ việc này, nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a Khoản 3 Điều 143 BLHS, với khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.Còn nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm a Khoản 4 Điều 143 BLHS, với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Hiện nay, tình trạng một số người dân theo tâm lý đám đông, chưa tìm hiểu kỹ sự việc nhưng đã “tự xử” xuất hiện ngày càng nhiều. Một phần nguyên nhân cũng do xuất phát từ sự bịa đặt bắt cóc trẻ em, bị thôi miên nhằm câu like, câu view của một số trang mạng xã hội,  gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho người khác...

Việc người dân nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hiện nay là việc làm rất đáng hoan nghênh, trong đó có tội phạm bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, đề cao cảnh giác nhưng cần bình tĩnh và ứng phó có văn minh, văn hóa với thông tin và cả người bị nghi ngờ có hành vi bắt cóc trẻ em để không xảy ra các hành vi đáng tiếc, nhất là trong trường hợp có đông người tụ tập như một số vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua.


H. Phong
Ý kiến của bạn