Hôn nhân cận huyết thống mang lại hậu quả là sự giảm sút về chất lượng dân số. Vấn đề này ở nước ta đang tồn tại, nhất là ở nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do thiếu hiểu biết nên tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn đã và đang xảy ra trong cộng đồng, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Xã Yên Sơn - xã nghèo, khó khăn nhất của huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng chính là địa bàn nóng về tình trạng kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Gia đình chị Nông Thị N ở xóm Khau Thượng, xã Yên Sơn có 5 người con thì có đến 4 cháu bẩm sinh đã bị ngẩn ngơ, khuyết tật vận động, thiểu năng.... Hằng ngày, những đứa trẻ này chỉ biết bò quanh quẩn trong nhà. Để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình vợ chồng chị N ngày ngày lên nương, lên rẫy và đành để những đứa trẻ ở nhà cùng ông nội tuổi đã cao và còn bị mù lòa. Những đứa trẻ này đều là nạn nhân do cuộc hôn nhân cận huyết giữa chị Nông Thị N và anh Vi Văn Đ. Anh chị vốn là anh em con cô, con bác nhưng do 2 bên gia đình bố mẹ cố ý ép gả mà thành vợ, thành chồng. Từ gia đình khá trong xóm nhưng do đông con, các cháu lại mắc bệnh bẩm sinh nên thường xuyên phải đến viện chạy chữa, bởi thế mà kinh tế trong gia đình ngày càng túng thiếu. Sự hỗ trợ từ địa phương cũng chỉ có thể là nguồn động viên.
Câu chuyện của gia đình chị N không phải là trường hợp duy nhất của xã Yên Sơn. Hiện nay, tại xã còn có tới 9 trường hợp khác cũng là hôn nhân cận huyết thống. Không chỉ có hôn nhân cận huyết, mà ở các xã vùng cao nơi có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng tảo hôn và sinh nhiều con diễn biến cũng khá phức tạp. Công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo bà Hoàng Thị Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thông Nông, Cao Bằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là quan niệm những người có quan hệ cận huyết kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của. Thêm nữa là người dân còn chưa am hiểu về pháp luật và chưa nhận thức được hậu quả nặng nề từ hôn nhân cận huyết thống. Chính bởi thế mà theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong 5 năm trở lại đây, tại 13 tỉnh miền núi của nước ta như Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái..., số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có xu hướng gia tăng. Tình trạng này đã và để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe và chất lượng giống nòi của đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Thành