Vòng 1 là biểu tượng cho vẻ nữ tính và sự quyến rũ của phụ nữ. Vì vậy, khi không hài lòng với đôi gò bồng đảo “trời cho”, nhiều người đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) mà không lường trước là đằng sau việc can thiệp dao kéo luôn tiềm tàng những biến chứng khó lường và không hề dễ chịu. Kết quả họ đã phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.
Chỉ “đẹp” thôi chưa đủ
De Silva chết thảm sau PTTM chỉ mấy ngày. |
Phẫu thuật nâng ngực là cách gia tăng thể tích của vòng 1 bằng các phương tiện tổng hợp, chủ yếu là các túi độn ngực. Các bác sĩ phải rạch, nâng cơ ngực lên tạo một khoang rỗng ở dưới để đặt túi độn. Vị trí rạch có thể ở nếp gấp dưới bầu ngực, quanh quầng vú hay dưới nách, kích thước của vết rạch cũng thay đổi tùy theo bác sĩ phẫu thuật cũng như loại túi độn được sử dụng. Các loại túi độn đều được cấu tạo bởi vỏ bằng silicon, bên trong có thể chứa nước muối sinh lý, silicon dạng gel hoặc hydrogel, các túi độn này có một ống nối nhỏ, nhờ đó mà bác sĩ có thể điều chỉnh kích cỡ bộ ngực bằng hình thức tiêm dung dịch vào túi. Theo các chuyên gia y tế, tuy silicon được áp dụng khá nhiều trong y học, đặc biệt là trong phẫu thuật thẩm mỹ nhưng biến chứng của chúng cũng không hề ít, tỷ lệ nhiễm khuẩn rất cao, hậu quả khó lường, vì vậy cần cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và hậu quả của silicon đối với con người. Chưa kể để đặt một túi ngực chất lượng đảm bảo thường phải chi trả từ 3.000 - 5.000USD (khoảng hơn 60 -100 triệu đồng) nhưng do điều kiện kinh tế có hạn, nhiều người chấp nhận làm ngực giá rẻ và tác hại rõ ràng là điều khó tránh khỏi. Do vậy, nên cân nhắc lợi hại, nghe tư vấn tại những cơ sở y tế uy tín trước khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực.
Khi giấc mơ biến thành ác mộng
Miếng sillicon có thể gây nhiễm trùng và để lại hậu quả khó lường. |
PTTM nâng ngực mang lại rất nhiều rủi ro. Bơm ngực bằng silicon có thể gây ra cách bệnh như: viêm nhiễm, viêm khớp, sốt mạn tính... Bên cạnh đó, những hậu quả như các vết sẹo quanh ngực, chảy máu trong ngực, nhiễm khuẩn và rất nhiều biến chứng khác nữa là không tránh khỏi. Sau khi đặt túi, có thể xảy ra tụ máu, rối loạn cảm giác. Nặng nhất là biến chứng co bao, là phản ứng của cơ thể trước “vật lạ”. Khi có vật lạ, cơ thể tự sinh ra một chất để bao bọc lại, gây biến dạng bầu ngực. Các chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu thế giới cũng thừa nhận rằng, vật liệu dùng cho phẫu thuật nâng ngực không phải là vĩnh viễn, chúng đều có thời hạn sử dụng và đều có nguy cơ bị hỏng theo thời gian. Dù là silicon, túi nước biển hay vật liệu nào khác thì chúng đều có thể bị rò rỉ, bẹp hay vỡ do quá trình lão hóa, áp lực lên ngực hay chấn thương mạnh. Thêm vào đó, vòng 1 sau khi được can thiệp, chỉnh sửa sẽ gây khó khăn trong việc chụp Xquang và phát hiện các bệnh liên quan đến ngực. Trong khi đó, những phẫu thuật cấy ghép lại có nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây các khối u ở ngực và gây khó khăn cũng như rắc rối trong việc phát hiện và điều trị bệnh ung thư vú.
Tara Reid - người mẫu của tạp chí Playboy là “tấm gương” về hậu quả đáng sợ này: Từ một người mẫu quyến rũ, sau PTTM cô đã trở nên tệ hại với bộ ngực đầy sẹo và vùng bụng nhăn nheo chảy xệ. Gần đây nhất (tháng 5/2013) DeSilva, 39 tuổi, sống tại New York, Mỹ, đã quyết định đi PTTM nâng ngực, hút mỡ ở cổ và căng da bụng, tuy nhiên chỉ 48 tiếng sau, DeSilva lên cơn đột quỵ và rơi vào tình trạng hôn mê. Bà mẹ 2 con kém may mắn đã qua đời vài ngày sau đó và hiện người nhà đang thuê luật sư để làm rõ vụ việc này.Và không chỉ chuyện ở nước ngoài, ngay tại Việt Nam (tuy chưa người nào dám công khai thừa nhận) đã có rất nhiều bộ ngực sau PTTM bị xộc xệch, thiếu tự nhiên gây đau đớn và mất thẩm mỹ cho chủ nhân. Thêm một “tai biến” nữa sau phẫu thuật nâng ngực có thể xảy ra mà chưa được đề cập trong y văn chính là sự “sợ hãi” và “chối bỏ” từ chính ông xã của những người nâng ngực. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: phụ nữ đã có gia đình nếu muốn nâng ngực thì nên có sự “đồng thuận” của chồng.
Debbie bị nhiễm khuẩn sau PT ngực, phải chung sống với bộ ngực lệch lạc 15 năm. |
Cân nhắc kỹ trước khi PTTM
Khoảng 10 năm về trước, những người PTTM ngực phần lớn là phụ nữ trung niên nhưng hiện tại, khách hàng đa phần lại là phụ nữ trẻ. Tuy sau cái chết của nạn nhân làm PTTM ở Thẩm mỹ viện Hà Nội cũng đã khiến chị em e dè hơn nhưng tại một số bệnh viện lớn, mỗi tháng ít nhất cũng vẫn có khoảng 10 - 20 ca đăng ký thực hiện phẫu thuật này. Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo chị em cần cân nhắc kỹ trước khi tiến hành PTTM bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bởi PTTM có thể cải thiện những khiếm khuyết nhưng không thể biến bạn thành hoàn hảo, những mong đợi thái quá sẽ có thể khiến bạn thất vọng. Tất cả các chi phí PTTM hầu như không nằm trong quy định thanh toán bảo hiểm y tế mà chi phí này có thể lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn USD. Sau khi phẫu thuật sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng cơ thể mới hồi phục trở lại như trước, chưa kể các biến chứng có thể xảy ra.
Trần Trung Việt