Rủi ro từ việc đẻ tại nhà
Theo Trạm Y tế xã Đê Ar, đây là xã vùng III, trình độ dân trí thấp, người dân thường có thói quen sinh đẻ thuận tự nhiên (đẻ tại nhà) chứ ít khi đến cơ sở y tế, cả xã lại chỉ có 2 cô đỡ thôn bản.
Cụ thể như, năm 2022, cả xã Đê Ar có 104 phụ nữ sinh con thì gần 90% sinh con tại nhà, chỉ có 46/104 người khám thai đúng định kỳ và 43/104 người có cán bộ (chủ yếu là cô đỡ thôn bản) đến đỡ đẻ tại nhà.
Điều đau lòng nhất với người dân xã Đê Ar là từ năm 2022 đến nay đã có 4 ca tử vong chu sinh (là hiện tượng tử vong thai nhi và sơ sinh từ trước, trong và sau đẻ), trong đó năm 2022 chiếm 3 ca và đầu năm 2023 có 1 ca. Những ca tử vong này đều do nguyên nhân mang thai ngôi ngược, ngạt sau đẻ tại nhà. Sự việc đau thương này như một lời cảnh báo với phụ nữ xã Đê Ar nói riêng và các vùng khác nói chung không được chủ quan khi mang thai.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng Trạm Y tế xã Đê Ar cho biết, 4 sản phụ mang thai ngôi ngược, có con tử vong khi đẻ tại nhà thì có người cũng khám thai thường xuyên, có người không thường xuyên, nhưng chủ yếu là không nghe lời bác sĩ. Lúc đi siêu âm, bác sĩ đã dặn, đến ngày đẻ phải đến cơ sở y tế để đẻ mà bà con cứ nghĩ rằng người nọ đẻ tại nhà được, người kia đẻ tại nhà được nên mình cũng cứ để đẻ tự nhiên, không phải đến cơ sở y tế.
Cần thay đổi thói quen, nhận thức
Theo bà Lê Thị Nguyệt, muốn thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong xã Đê Ar trong việc chăm sóc sức khỏe, sinh sản và vấn đề đẻ tại nhà cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng, các cấp ngành và người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong các buôn làng ở địa phương. Bên cạnh đó, cần đào tạo thêm cô đỡ thôn bản, cung cấp các gói đỡ đẻ sạch cho cô đỡ thôn bản, hỗ trợ kinh phí cho các bà mẹ đi khám thai, đẻ tại cơ sở y tế…
Để góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân xã Đê Ar, trong khuôn khổ Dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau, các can thiệp đổi mới, sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam", ngày 30/3, nhiều chuyên gia từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế); UNFPA (cơ quan Liên Hiệp quốc về Sức khỏe - Sinh sản và Sức khỏe Tình dục) và MSD (MSD for Mothers) đã trực tiếp đến xã Đê Ar để đánh giá thực trạng sức khỏe, sinh sản để từ đó có thêm các giải pháp sáng tạo, sát thực tế hỗ trợ người dân nơi đây.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe, sinh sản, các bà mẹ khi mang bầu nên kiểm tra thai định kỳ, khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và có biện pháp dự phòng.
Dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau, các can thiệp đổi mới, sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" do UNFPA và MSD tài trợ với sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã nỗ lực đảm bảo việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ sức khỏe sinh sản tại một số tỉnh miền núi xa xôi.
Dự án sẽ được thực hiện ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của sáu tỉnh khó khăn nhất vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, đó là Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ các xã dân tộc thiểu số (trong đó có xã Đê Ar, Mang Yang, Gia Lai) tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện; xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản; phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 được lồng ghép vào các chương trình sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình; Ứng dụng điện thoại thông minh dựa trên Internet được phát triển và vận hành để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình…
Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng Trạm Y tế xã Đê Ar trả lời PV Báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề sức khỏe, sinh sản và đẻ tại nhà ở xã Đê Ar