Hà Nội

Hậu quả của mòn răng và cách phòng tránh

14-09-2016 18:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mòn răng là nguyên nhân chính gây phá hủy mô răng khiến nhiều người đau buốt khi ăn lạnh, nóng hoặc chua, ngọt...

Mòn răng là nguyên nhân chính gây phá hủy mô răng khiến nhiều người đau buốt khi ăn lạnh, nóng hoặc chua, ngọt... Nguyên nhân là do các răng bị mòn ở mặt nhai hay cổ răng gây nên hiện tượng buốt răng, tổn thương lợi, viêm nha chu dẫn đến tụt lợi, lung lay và mất răng.

Mòn răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng theo thống  kê tại Mỹ thì có đến gần 30% trẻ < 6 tuổi có hiện tượng mòn răng bệnh lý. Và ở lứa tuổi càng lớn thì mức độ và tỷ lệ này càng cao. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng tình trạng mòn răng gặp nhiều ở những người khớp cắn lệch tâm.

Mòn răng do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây mòn răng, trong đó phải kể đến mòn răng sinh lý do quá trình ăn nhai, người càng lớn tuổi thì răng càng dễ mòn. Thói quen ăn uống các chất cứng, dai sẽ làm răng mòn nhanh hơn, ăn các thức ăn quá chua cũng dễ làm mòn răng hơn. Điều đáng lưu ý là chải răng sai cách cũng dẫn đến mòn răng.

Mòn răng ảnh hưởng đến men răng gây ê buốt.

Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến mòn răng và ảnh hưởng đến chất lượng men răng như: thiểu sản men làm cho men răng mềm và dễ vỡ hơn bình thường. Các bệnh gây ra sự ma sát quá mức giữa 2 hàm răng: hay gặp nhất là khớp cắn lệch tâm (đây là bệnh lý gây mòn răng hay gặp nhất vì đến hơn 70% người bình thường có khớp cắn lệch tâm).

Một số nguyên nhân mòn răng còn do các bệnh chuyển hóa làm ảnh hưởng đến các thành phần khoáng hóa của nước bọt, cấu trúc dòng chảy của nước bọt cộng với thói quen đánh răng theo chiều ngang... cũng được cho là một trong số các nguyên nhân gây mòn răng.

Cách nhận biết

Đối với mòn răng sinh lý, các biểu hiện thường có thứ tự mòn răng tương đối ổn định: mòn rìa cắn trước, sau đó mòn đến các núm ngoài răng dưới và núm trong răng trên. Mặt tổn thương có thể phẳng trong giai đoạn mòn men, khi ngà răng bị bộc lộ thường bắt màu nâu, tốc độ mòn của ngà nhanh hơn tốc độ mòn men nên tổn thương có dạng hình lõm đáy chén. Các tổn thương của hai răng đối đầu thường khớp khít vào nhau. Tuy nhiên, các vị trí và mức độ tổn thương phụ thuộc vào đặc điểm khớp cắn, tại răng các điểm chạm sớm và các điểm cản trở cắn là các điểm mòn răng sinh lý thường xuất hiện sớm. Khi mòn nhiều gây nhạy cảm răng, tủy phản ứng tạo ngà thứ phát để bảo vệ tủy.

Đối với mòn răng bệnh lý, biểu hiện phụ thuộc vào các nguyên nhân bệnh lý. Vùng tổn thương thường không giống tổn thương mòn răng - răng, ranh giới tổn thương rõ, có xu hướng làm tù núm răng và các rìa cắn. Trên các tổn thương lộ ngà có thể có các tổn thương lõm hình đáy chén. Tổn thương có thể khu trú ở một nhóm hoặc một số răng do tiếp xúc liên tục với một lực ma sát của vật ngoại lai như do thói quen cắn chỉ khâu hoặc các vật dụng làm việc, cắn tẩu thuốc...

Đối với mòn răng hóa học; có thể hiểu là do các chất hóa học gây ra, điển hình là acid trong đồ ăn, thức uống. Ví dụ như nước cam, chanh, nước khoáng, nước ngọt có gas… hoặc các loại thuốc có độ acid cao như viên nhai vitamin C, viên nhai aspirin. Theo các nghiên cứu và thống kê thì mòn răng hóa học thường xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên, người trẻ (dưới 25 tuổi). Biểu hiện của mòn hoá học làm mất chất dạng lan rộng và ít có giới hạn, vị trí tổn thương nằm ở các răng gần nhau nơi có acid phá hủy mạnh nhất, tổn thương có thể xảy ra ở tất cả các mặt răng. Trong hội chứng trào ngược: mặt mòn chủ yếu là mặt trong răng cửa trên. Mòn răng do hơi acid chì: thường thấy ở mặt ngoài răng đối với công nhân sản xuất ắc quy.

Tổn thương mòn hóa học làm bề mặt men trở nên trong suốt. Các tổn thương lộ ngà cũng có khả năng tạo hình ảnh lõm đáy chén với vành men trong suốt ở chu vi.

Đối với chải răng sai cách dễ dẫn đến mòn răng.  Biểu hiện mòn răng do bàn chải thường gặp ở cổ răng do có thói quen chải răng ngang, tổn thương có tính chất đối xứng. Mài mòn do bàn chải thường để lại một tổn thương lõm hình chêm, góc nhọn, bờ tổn thương rõ, mặt ngà bóng. Lực ma sát bàn chải có thể tạo ra các vết xước song song trên bề mặt ngà.

Những hệ lụy

Mòn răng gây mất thẩm mỹ khiến nhiều người mất tự tin trong giao tiếp. Điều quan trọng mòn răng khiến cho chức năng nhai giảm. Khi giảm khả năng ăn nhai như nghiền và cắt thức ăn dễ dẫn đến bệnh lý tiêu hóa. Khi răng mòn thì hiệu suất nhai sẽ giảm, vì vậy hệ thống cơ nhai sẽ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến hiện tượng co thắt cơ nhai, lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương khớp hàm.

Mòn nhiều có thể làm lộ lớp ngà răng gây ê buốt, vì vậy dễ gặp cảm giác ê buốt răng ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng ăn nhai. Đối với các bệnh lý gây mòn răng nhiều có thể gây viêm tủy và chết tủy răng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phòng bệnh răng miệng nói chung và mòn răng nói riêng, các chuyên gia nha khoa khuyến cáo cần dùng bàn chải răng lông mềm, chải nhẹ nhàng, 2 lần/ngày, sau bữa ăn và nên tập thói quen dùng chỉ nha khoa thay thế tăm xỉa răng. Ngay sau khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống có chứa acid, cần súc miệng bằng nước lọc. Hằng ngày cần uống nhiều nước, đặc biệt giữa các bữa ăn. Tránh hoặc giảm thiểu việc ăn uống có chứa acid. Nên uống sữa không đường và không hương vị. Khám răng định kỳ để phát hiện sớm các bệnh răng miệng. Khám càng sớm từ lứa tuổi 5-6 tuổi trở đi thì càng có khả năng dự phòng sớm. Đối với bệnh nhân mòn răng cần ăn các thức ăn mềm, không dùng thức ăn lạnh quá, chua quá...

BS. Như Ngọc
Ý kiến của bạn