Hậu mưa lụt tại Hà Nội: Không chủ quan trước các ca bệnh

19-11-2008 15:54 | Thời sự

Theo báo cáo nhanh từ các quận, huyện của TP. Hà Nội, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da đang gia tăng.

Theo báo cáo nhanh từ các quận, huyện của TP. Hà Nội, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da đang gia tăng. Cụ thể, có thêm 894 ca bệnh ngoài da đến khám tại các cơ sở y tế cũng như tại trạm y tế địa phương, 94 ca đau mắt đỏ, 28 ca sốt xuất huyết, 38 ca tiêu chảy cấp... Trong các ngày vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phát bổ sung 420kg cloramin B cho một số quận, huyện để khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Trước đó một ngày, các đoàn công tác của Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại 4 huyện: Thanh Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Chương Mỹ. Về công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại các vùng bị ngập úng, sau 3 ngày triển khai, 12 tổ công tác quân dân y về công tác trực tiếp 4 huyện trọng điểm gồm Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức, Mỹ Đức đã khám, cấp phát thuốc cho 2.771 người, phun thuốc và vệ sinh môi trường cho 10 trường học, 6 thôn, 3 chợ, 1 nhà văn hóa.

 Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực nhiều, nhưng với điều kiện sống như thế này dịch bệnh rất có thể xuất hiện. Ảnh: PV
Các trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện cũng đã giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời 27 ca sốt xuất huyết lâm sàng, 40 ca tiêu chảy, 244 ca đau mắt và gần 4.000 ca bệnh ngoài da. TTYT quận, huyện phối hợp với các trường học tiến hành tổng vệ sinh và khử khuẩn môi trường cho 554/702 trường bị ngập trên toàn thành phố, cấp tiếp 1.170kg cloramin B cho các hộ gia đình, tổng vệ sinh 302 điểm ngập úng thuộc 80 xã, phường, hướng dẫn 17.254 hộ gia đình còn ngập úng trên địa bàn tổng vệ sinh, xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt... Tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa và một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội, mấy ngày gần đây số bệnh nhân đến khám có xu hướng gia tăng rõ rệt, chủ yếu là các bệnh liên quan đến da liễu, sốt và bệnh đường tiêu hóa. Y tế Hà Nội đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn, quyết không để dịch bệnh lớn bùng phát. TS Nguyễn Thị Bích Đào - Giám đốc BV đa khoa Đống Đa cho biết, một tuần qua, sau khi BV thoát khỏi cảnh ngập nước, số bệnh nhân đến khám đã tăng đáng kể. Đối tượng bệnh nhân đến khám khá đa dạng, song các bệnh gia tăng nhiều nhất vẫn là sốt xuất huyết dengue, sốt virut, tiêu chảy cấp, đau mắt và bệnh ngoài da. Với bệnh nhân cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp tăng nhiều hơn cả.

Cụ thể, tính từ ngày 3/11 đến nay đã có 157 bệnh nhân bị viêm kết mạc bờ mi (đau mắt), 61 ca viêm da, gần 60 ca sốt xuất huyết, 54 trường hợp tiêu chảy cấp và rối loạn tiêu hóa... đến khám. Đỉnh điểm là ngày 10/11, có tới 24 ca sốt siêu vi trùng, 42 trường hợp đau mắt đỏ và viêm kết mạc... đến khám, điều trị. Trong số các bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp đến viện thì đại đa số liên quan đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.

Do bệnh nhân tăng hơn nhiều so với những ngày trước lũ lụt, bệnh viện đã dành riêng Khoa truyền nhiễm để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết nặng. Những bệnh nhân nhẹ hơn sẽ được chuyển sang Khoa hồi sức cấp cứu và một số khoa chuyên môn khác để điều trị. Công tác vệ sinh, khử khuẩn môi trường của BV sau ngập lụt cũng được chú trọng. Bà Nguyễn Thị Bích Đào cho biết thêm, BV thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đẩy mạnh tẩy uế, khử khuẩn môi trường BV theo phương châm “nước rút đến đâu, khử khuẩn đến đó” để kịp thời tiếp nhận các bệnh nhân mới vào điều trị.

Để giải quyết tình trạng bệnh tật gia tăng sau mưa lũ, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cán bộ y tế cơ sở phải đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh chăn nuôi, hướng dẫn người dân thu gom phân gia súc... Cụ thể, Sở Y tế sẽ huy động nhân lực từ các tổ cơ động của thành phố và 5 máy phun khử khuẩn để hỗ trợ xã vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả của mưa lũ.

Đức Tùng


Ý kiến của bạn