Hà Nội

“Hậu” khởi động Brexit: Khó khăn “chồng chất” khó khăn

30-03-2017 09:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nước Anh đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới giữa tuần này sau khi tiến trình Brexit chính thức khởi động. Tuy nhiên, dù đây là một mốc lịch sử mới đối với London, nhưng những lo ngại về suy giảm kinh tế và bóng ma Scotland ly khai khỏi Vương quốc Anh khiến không ít trái tim người dân Anh trĩu nặng.

Tối 28/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã kí bức thư chính thức khởi động tiến trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bức thư này tuy đơn giản, nhưng nó đưa nước Anh sang một trang sử mới không còn là thành viên của EU."Một châu Âu mạnh mẽ là lợi ích của tất cả các bên và nước Anh vẫn sẽ là một đồng minh tin cậy và gần gũi với EU", Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh như vậy trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo EU ngày 29/3.

Brexit đã chính thức kích hoạt ngày 29/3 nhưng tâm trạng người dân Anh vẫn rất lo lắng

Brexit đã chính thức kích hoạt ngày 29/3 nhưng tâm trạng người dân Anh vẫn rất lo lắng

Một ngày sau khi tiến trình Brexit chính thức kích hoạt, tâm trạng người dân Anh “không khá hơn” là mấy. Bởi dù đã được chính phủ trấn an, nhưng viễn cảnh trước mắt London không hẳn đã sáng sủa.Thứ nhất, sau 44 năm là thành viên của Liên minh châu Âu, nước Anh đã tham gia vào tất cả các thiết chế của Liên minh với các điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ, do đó việc “tháo bỏ” các ràng buộc này sẽ là một bài toán hóc búa với cả Anh và EU. Dù kinh tế Anh vẫn tăng trưởng 1,8% GDP năm ngoái và dự đoán sẽ lên 2% trong năm 2017, nhưng đây là là khoảng thời gian biển lặng trước khi bão tố ập tới. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của S&P Boris Glass phân tích đầu năm 2017, nhu cầu vốn của các cơ sở kinh doanh và các hộ gia đình đã giảm thiểu phần nào, đây chính là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu nền kinh tế Anh sẽ dần chững lại. Mặt khác, giá cả tăng nhanh do đồng bảng Anh trượt giá khiến người tiêu dùng Anh phần nào cảm thấy u ám khi nghĩ tới chặng đường dài phía trước.

“Mỗi cuộc đàm phán là cho đi và nhận lại ở cả hai phía”,  Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói. Ông Hammond cũng chấp nhận viễn cảnh Anh không còn là thành viên của thị trường chung Liên minh Châu Âu hoặc liên minh thuế quan. Do đó, việc cởi bỏ những Hiệp định chung hay việc phân chia rạch ròi những lợi ích kinh tế sẽ không dễ dàng như London mong đợi. Hay việc “định nghĩa lại” những quy định về chính sách nhập cư, thuế khóa, công ăn việc làm đối với 4 triệu công dân EU tại Anh được cho là sẽ khiến giới chức Anh đau đầu.

Ngoài ra, những cơ chế pháp lý chia tách các quyền lợi giữa Anh và EU sẽ phải tuân theo cơ chế nào, cũng sẽ là một bài toán đặt ra đối với cả hai bên. Chính phủ Anh bảo lưu quan điểm sẽ kiên quyết giành cho được một thỏa thuận có lợi và bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán vào tháng 3/2019.

Đến thời điểm này, cả Anh và EU đều không có dấu hiệu nhượng bộ nhau trong vấn đề thị trường chung. EU nhấn mạnh nếu Anh ngăn không cho công dân châu Âu tự do đi lại vào Anh, thì không có chuyện Anh sẽ ở lại thị trường chung. Ngược lại, Thủ tướng Theresa May cũng sẽ không nhân nhượng và sẵn sàng áp dụng một “Brexit cứng”, không nhượng bộ bất cứ điều gì với EU.

Bóng ma ly khai Scotland

Mặc dù cuộc họp của Nghị viện Scoland bị hoãn lại do vụ khủng bố mới đây, nhưng Cơ quan lập pháp Scotland hôm 28/3  đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ (với 69 phiếu thuận và 59 phiếu chống) đề xuất của Thủ hiến Nicola Sturgeon tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về độc lập vào cuối năm 2018 hoặc 2019, sau khi các điều khoản liên quan việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trở nên rõ ràng. “Tôi hoan nghênh động thái của Nghị viện. Giờ đây chính quyền Scotlandsẽ tìm cách thảo luận với chính phủ Anh. Tôi hy vọng chính phủ Anh sẽ tôn trọng quan điểm của nghị viện Scotland và cho người dân Scotlandmột sự lựa chọn”.

Thủ hiến ScotlandNicola Sturgeon đang ráo riết vận động trưng cầu ý dân lý khai khỏi EU

Thủ hiến ScotlandNicola Sturgeon đang ráo riết vận động trưng cầu ý dân lý khai khỏi EU

Mặc dù chính phủ Anh đã “lắc đầu từ chối” nhưng điều đó dường như chả có nghĩa lý gì với Scotland. Tháng 9/2014, chính quyền Scotlandđã tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len để trở thành một quốc gia độc lập. Khi đó có hơn 55% cử tri Scotlandủng hộ ở lại Anh. Tuy nhiên, vấn đề này lại nổi lên sau khi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu hồi tháng 6 năm ngoái. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 năm ngoái, có tới 52% cử tri Anh đã lựa chọn Brexit. Mặc dù 62% cử tri ở Scotlandbỏ phiếu ở lại  Liên minh châu Âu, và chỉ 38% ủng hộ Brexit nhưng Scotlandvẫn buộc phải rời khỏi  Liên minh châu Âu theo đa số phiếu trên phạm vi toàn Vương quốc Anh. Do đó, nhiều người Scotlandcho rằng London không “lắng nghe” quan điểm của người dân Scotland và kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 để mở đường cho Scotlandtuyên bố độc lập, tách ra khỏi Anh và gia nhập Liên minh châu Âu.

Theo dự kiến thì tháng 3/2019 sẽ là thời điểm Brexit hoàn tất. Hai năm tới sẽ là thời gian thử thách lòng kiên nhẫn, thiện chí của cả Anh và EU để có thể xác lập được mối quan hệ đối tác mới, đem lại phồn vinh cho cả hai bên. Mấu chốt quan trọng nhất của tiến trình đàm phán là việc hai bên có đạt được hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng như Thủ tướng Theresa May kêu gọi hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng đến cuối tháng 4, khi EU đưa ra những thứ tự ưu tiên và vạch ra những “ranh giới đỏ" trong tiến trình đàm phán, cũng chính lúc tính phức tạp, cam go của tiến trình này bộc lộ./.

N.Quang (Theo BBC, Reuters, Th Guardian)


Ý kiến của bạn