Ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki kết thúc, giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày 16/07 đều bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp này khi cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố không thấy có bất cứ lý do nào của việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump chấp nhận thực tế rằng Nga không phải đồng minh của Mỹ và Moscow phải chịu trách nhiệm về việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo ông, đây không chỉ là phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ mà còn là của cả Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Tổng thổng Donald Trump và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Helsinki ngày 16/07.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Frank LoBiondo thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện - cơ quan đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, lưu ý rằng chỉ mới hôm 13/7, các công tố viên Mỹ đã kết tội 12 đặc vụ của Nga tấn công mạng máy tính của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Theo ông, Tổng thống Trump đã bỏ lỡ cơ hội buộc Nga phải công khai thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề này. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer cũng cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Trump tại Helsinki là "chưa từng có tiền lệ". Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Schumer hối thúc Quốc hội Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga và kêu gọi nhóm an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống Trump tới Helsinki phải ngay lập tức điều trần trước Quốc hội.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho rằng những đánh giá của giới tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 là rõ ràng. Viết trên trang Twitter,Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - đối thủ tiềm tàng của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 nhận định Tổng thống Trump đang làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, đồng thời cho rằng việc Tổng thống Trump không sẵn lòng đứng lên bảo vệ đất nước là điều không thể chấp nhận được.
Cuộc gặp được đỉnh Nga-Mỹ diễn ra trong bối cảnh cảnh quan hệ song phương Nga-Mỹ căng thẳng giữa hai nước và có nhiều cáo buộc về việc đội ngũ tranh cử của ông Trump thông đồng với giới chức Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm giúp ông Trump thắng cử. Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ngày 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga bị buộc tội âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thông qua việc xâm nhập hệ thống thư điện tử và mạng máy tính của đảng Dân chủ.
Chính vì thế, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ với việc Tổng thống Trump thiện chí với Tổng thống Nga Putin được cho là một “cú đòn” giáng mạnh vào những nỗ lực của chính giới Mỹ muốn buộc tội Nga. Không có chương trình nghị sự chi tiết, không đưa ra định hướng giải quyết bất đồng, thượng đỉnh Nga-Mỹ dường như chỉ là động thái phá băng trong quan hệ hai nước với nhiều cam kết chung chung và thiếu biện pháp cụ thể. Dù Tổng thống Trump cho biết Nga-Mỹ vừa có cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả về hàng loạt các vấn đề quan trọng đối với cả hai nước, nhưng “bóng ma” ám ảnh Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn hiện hữu khiến ông Trump được cho là “khó ăn khó nói” khi trở về nước.
Tuy vậy, không phải là không có những ý kiến ủng hộ quan điểm của ông Trump. Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Mỹ cho rằng cuộc gặp hôm 16/07 chính là bước khởi đầu cho một sự đột phá trong quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian tới. Theo Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich Nga-Mỹ đã thảo luận về hầu hết các vấn đề nóng trên thế giới, cho thấy không có những bất đồng không thể khắc phục giữa Mỹ và Nga. Cũng theo vị quan chức này, hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề cùng quan tâm.
Hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán về một kết quả dài hơi hay đánh giá lợi ích mà Nga- Mỹ đạt được từ cuộc gặp thượng đỉnh 16/07. Nhưng trước mắt, ít nhiều việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Putin cũng là một dấu hiệu đáng mừng mở đường cho các chương trình ngoại giao có mục tiêu chiến lược rõ ràng hơn trong quan hệ Nga-Mỹ. Nó cũng được kỳ vọng sẽ giúp đặt nền tảng để hai bên hướng tới khôi phục lại sự tin tưởng lẫn nhau, ngăn chặn tình trạng đối đầu và không để mối quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục tuột dốc.