Hậu hội nghị thượng đỉnh không chính thức: EU đối mặt với “trăm mối tơ vò”

26-02-2018 08:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu vừa kết thúc cuối tuần qua với những bất đồng về quan điểm. Sau khi nước Anh rời khỏi EU, dù Thủ tướng Đức Mekel đã kêu gọi “một sự đoàn kết trong nội khối”, nhưng chia rẽ và mâu thuẫn vẫn xảy ra khiến mục tiêu xây dựng một EU nhất thể hóa và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới ngày càng xa vời.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Đức Merkel kêu gọi một sự “đoàn kết” trong nội khối. Thông điệp này đã từng được các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Merkel nhắc tới nhiều lần trước đây. Và lần này việc nhà  lãnh đạo Đức vừa phải kêu gọi sự đoàn kết vửa phải nhấn mạnh rằng “Đoàn kết không phải là con đường một chiều” cho thấy một thực tế phũ phàng: châu Âu đã không còn còn là một khối thống nhất như trước đây và hố sâu chia rẽ các thành viên EU ngày càng nới rộng.

Gần 2 năm sau khi Anh rời khỏi EU, tưởng như vết thương Brexit đã lành dần. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bởi những thách thức nội bộ lại như những đám mây xám lởn vởn đe dọa sự nhất thể hóa của EU. Sau sự ra đi của nước Anh, không thể phủ nhận các nhà lãnh đạo EU đã rất nỗ lực để xây dựng một châu Âu đoàn kết và phát triển. Nhưng 2 yếu tố cốt lõi nhất là làm thế nào để xây đắp một liên minh EU nhỏ hơn, hiệu quả hơn và đoàn kết hơn lại được cho là chưa đạt như kỳ vọng.

Một ngày hội nghị tại Bruxelles đã chứng kiến những thách thức ngổn ngang “trăm mối tơ vò” mà EU phải đối mặt. Thứ nhất, là vấn đề thể chế và lựa chọn người đảm nhận vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu, thay cho ông Jean- Claude Juncker sắp mãn nhiệm. Tranh cãi đã nổ ra khi các thành viên trong khối muốn có sự ủng hộ tối đa cho đề xuất của mình. Bản thân Đức và Pháp, hai thành viên trụ cột của Liên minh, cũng đang chia rẽ khi Berlin và Paris không ai muốn nhượng bộ.

Thủ tướng Đức Merkel ngày 23/2 đã kêu gọi EU “cần phải đoàn kết”.

Thủ tướng Đức Merkel ngày 23/2 đã kêu gọi EU “cần phải đoàn kết”.

Thứ hai là lỗ hổng về tài chính mà London để lại lại đang khơi lên những mâu thuẫn mới. Xưa nay, chuyện “tiền nong gạo bị” luôn là chuyện tế nhị và việc ai, quốc gia thành viên nào sẽ đóng góp vào khoản tiền 12 tỷ euro mà nước Anh để lại cho ngân sách chung đang khiến giới chức lãnh đạo EU đau đầu. Trong một tuyên bố mới nhất, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo đã thẳng thừng phản đối chuyện phải đóng góp tiền thêm cho ngân sách chung. Hiện, vẫn còn gần tới một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa đưa ra quyết định ủng hộ hay phản đối. Theo nguồn tin từ Euronews, các lãnh đạo EU cũng đã không thống nhất được một cách cụ thể các nước sẽ phải đóng góp nhiều hơn bao nhiêu cho ngân sách chung để lấp đầy khoảng trống 12 tỉ euro do nước Anh để lại sau khi rời EU. Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần nghìn tỉ euro cho thời hạn 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ 2021. Vì thế, trong bối cảnh thời hạn chót xây dựng một ngân sách mới cho EU vào năm 2020 đang đến rất gần, những gì đang không chỉ khiến các nhà lãnh đạo EU bối rối mà còn khiến dư luận phải đặt câu hỏi: điều gì đang xảy ra với EU? Liệu EU có thể tiến bước nếu các nước không chịu gạt bỏ lợi ích riêng để tiến tới một sự đồng thuận chung?

Đoàn kết không phải là con đường một chiều”, (Solidarity isn’t a one-way street) Thủ tướng Đức Merkel đã nhấn mạnh như vậy trước báo giới tại Bruxelles (Bỉ). Câu nói này của nhà lãnh đạo Đức được cho là ẩn chứa một nỗi niềm chua chát và sự bất lực. Chua chát là bởi bất đồng đã bị đẩy tới một giới hạn quá xa không thể giải quyết. Bất lực là bởi Đức và các quốc gia khác đã không thể làm gì để hàn gắn mâu thuẫn. Dường như EU đang chơi vơi trước những ngã rẽ khác nhau mà không một con đường nào đủ an toàn, để khiến khối này an tâm bước tới.

Lẽ dĩ nhiên các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rất rõ những thách thức đặt ra. Nhưng làm thế nào hàn gắn bất đồng và vượt qua rạn nứt lại là những câu hỏi lớn. Châu Âu sẽ không thể đoàn kết nếu mỗi quốc gia thành viên chỉ muốn bảo  vệ lợi ích riêng của mình. Châu Âu cũng không thể nhất thể hóa và xóa bỏ vết thương Brexit nếu như mỗi thành viên vẫn đặt “cái tôi cá nhân” lên trên lợi ích chung.

Hơn bao giờ hết, châu Âu tự phải trả lời cho những câu hỏi lớn mà thời cuộc đặt ra. Người ta đang chờ xem sự lựa chọn của EU: giậm chân tại chỗ và thụt lùi hay dám đương đầu với thách thức để bước tới.


Nhật Quang.ĐiệpH
Ý kiến của bạn