Thông tin trên được BSCKII. Hoàng Khắc Chuẩn, Khoa ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy 2023 vừa diễn ra.
Cụ thể, bảng khảo sát câu hỏi "Đánh giá chất lượng cuộc sống người sau hiến thận" của nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy dành cho những người sau hiến thận đang theo dõi tại phòng khám ghép thận của đơn vị này.
Tất cả các đối tượng nghiên cứu được hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống dựa vào bảng điểm SF-36 (bộ câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống) trong thời gian từ tháng 5/2022 đến 11/2022.
Theo đó, bảng câu hỏi về sự hài lòng của việc hiến thận được thực hiện bởi 281 người sau hiến thận. Trong đó có 144 nữ (51,2%) và 137 nam (48,8%), tuổi trung bình lúc hiến thận là 49,9 (cộng trừ 9,8 tuổi). Thời gian theo dõi sau hiến thận từ 12 – 264 tháng, trong đó có 30 người hiến thận trên 10 năm (chiếm 10,7%).
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người hiến thận đều có chất lượng cuộc sống tốt và nếu được chọn lựa lại, nhiều người sẵn sàng hiến thận (87,5%). Một số ít người hiến thận cho biết họ đã gặp khó khăn về tài chính (10,7%) hoặc bất lợi nghề nghiệp (8,9%).
Từ đó cho thấy, chất lượng cuộc sống của người hiến thận không bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật lấy thận để hiến. Ghép thận từ người hiến thận sống an toàn và phù hợp để cứu bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối.
Ghép thận là một phương pháp điều trị thay thế thận mang lại hiệu quả và chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
Tại Việt Nam, ca ghép thận được thực hiện đầu tiên năm 1992. Đến nay, cả nước có 20 trung tâm ghép thận, chủ yếu ghép thận từ người hiến sống.
Khoa ngoại Tiết Niệu bệnh viện Chợ Rẫy là một trung tâm ghép thận lớn, mỗi năm thực hiện khoảng 100 trường hợp.