Hậu Giang tích cực thực hiện các giải pháp nâng mức sinh

02-12-2021 20:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Dự báo đến năm 2030, nếu không có biện pháp can thiệp hoặc can thiệp không hiệu quả, tổng tỷ suất sinh của Hậu Giang giảm còn 1,02 con/phụ nữ, bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 45,9% tổng dân số.

Hậu Giang là một trong 21 tỉnh có mức sinh thấp của cả nước theo công bố của Bộ Y tế về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 năm qua mức sinh Hậu Giang luôn giảm. Năm 2011 tổng tỷ suất sinh là 2,4 con/phụ nữ, đến năm 2020 giảm còn 1,38 con/phụ nữ, tức giảm 1,02 con/phụ nữ.

Hậu Giang tích cực thực hiện các giải pháp nâng mức sinh - Ảnh 1.

Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hậu Giang, dù chưa triển khai cuộc khảo sát để xác định nguyên nhân vì sao mức sinh Hậu Giang thấp. Tuy nhiên, theo đánh giá chuyên ngành có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Trong thời gian gần 25 năm, Hậu Giang thực hiện mục tiêu giảm sinh nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng dân số. Tình trạng di dân đến các thành phố lớn để lao động phát triển kinh tế; Đời sống người dân vùng nông thôn còn khó khăn...

Các yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội như mức độ và sự ổn định trong thu nhập, chi phí chăm sóc một đứa trẻ trước khi sinh và sau khi sinh, tình trạng thất nghiệp, áp lực trong công việc và đời sống,... Hay, quan niệm kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh 01 con đã được hình thành và phát triển mạnh trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiện nay và cùng với vấn đề vô sinh ngày càng nhiều.

Tất cả vấn đề này đã ảnh hưởng rất lớn đến ý thức, nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng và đã làm cho mức sinh của Hậu Giang ngày càng giảm.

Nếu trong thời gian tới mức sinh Hậu Giang tiếp tục giảm thì hệ lụy không năm ngoài hệ lụy chung của cả nước. Đó là, rút ngắn thời gian diễn ra cơ cấu dân số vàng, đẩy nhanh tốc độ từ già hóa dân số và các vấn đề xã hội khác có liên quan.

Dự báo đến năm 2030, nếu không có biện pháp can thiệp hoặc can thiệp không hiệu quả tổng tỷ suất sinh sẽ giảm còn 1,02 con/phụ nữ và Hậu Giang bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 45,9% tổng dân số.

Trước thực trạng trên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hậu Giang đã và đang tích thực hiện các giải pháp để nâng mức sinh như:

 Xây dựng, duy trì và mở rộng thực hiện mô hình ấp, xã sinh đủ 02 con (đến cuối năm 2021 sẽ đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện).

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số và Chương trình hành động thực hiện đề án điều chỉnh mức sinh vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030.

Đặc biệt, Hậu Giang là đơn vị đi đầu khi thực hiện mức hỗ trợ thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019 – 2025 theo Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, hàng năm Hậu Giang đầu tư gần 8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, gần 7 tỷ để đầu tư cho đội ngũ cộng tác viên. Trong thời gian qua địa phương có sự đầu tư kinh phí thực hiện công tác dân số, mỗi năm đầu tư kinh phí hoạt động và thực hiện nghiệp vụ gần 15 tỷ/năm.

Bà Võ Thị Hoàng Loan cũng cho hay, trong thời gian tới, Hậu Giang cần ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến tuyến cơ sở; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển, đặc biệt là đầu tư kinh phí thực hiện truyền thông vận động nâng mức sinh và dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

Theo mục tiêu được đề ra trong Đề án "Chính sách dân số - Điều chỉnh mức sinh vùng, đối tượng phù hợp và Nâng cao chất lượng dân số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019 - 2025, đến năm 2030" có nêu rõ về việc điều chỉnh và duy trì mức sinh vùng, đối tượng phù hợp, góp phần kéo dài thời kỳ dân số vàng.

Cụ thể, tăng mức sinh trung bình 0,05 - 0,1 con/phụ nữ/năm ở địa phương có tổng tỷ suất sinh (TFR) dưới 1,9 con/phụ nữ thì và phải duy trì TFR 1,9 con/phụ nữ trở lên vào năm 2025 và đến năm 2030 là 2,1 con/phụ nữ.

Tiếp tục duy trì mức sinh ở địa phương có TFR từ 1,9 - 2,1con/phụ nữ thì đến năm 2030 là 2,1 con/phụ nữ.

Giảm mức sinh trung bình 0,01 - 0,1 con/phụ nữ/năm ở địa phương có TFR trên 2,1 con/phụ nữ thì và phải đảm bảo TFR đạt 2,1 con/phụ nữ vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030 là 2,1 con/phụ nữ.

Phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, 70% huyện đạt mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ; đến 2030 giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị và 100% huyện đạt mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân đến năm 2025 không hơn 1,2% và không dưới 0,6% và đến năm 2030 tăng không hơn 1,5% và không dưới 1%.

Đến năm 2025 tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên dưới 10% và duy trì đến năm 2030.

Tỷ lệ bà mẹ sinh đủ hai con so với số bà mẹ sinh trong năm tăng 5% vào năm 2025 và đến năm 2030 là 7%.



T.Hiền
Ý kiến của bạn