Hà Nội

Hậu Giang đẩy mạnh truyền thông, triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

27-09-2023 08:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Tỉnh Hậu Giang nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chương trình MTQG khác như tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là chức sắc, tôn giáo, ban quản trị của chùa, người có uy tínđồng bào dân tộc thiểu số về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình, quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuyên truyền các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức được 1.152 buổi tuyên truyền, thu hút gần 35 ngàn lượt cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham dự. Triển khai phủ sóng 5G thí điểm tại TP. Vị Thanh, xây dựng trạm phát sóng thông tin di động (BTS) tại Khu công nghiệp Sông Hậu; 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, có báo đọc trong ngày; sóng di động được phủ đến tất cả các ấp, khu vực.

Hậu Giang đẩy mạnh truyền thông, triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719- Ảnh 1.

Mô hình "sáng, xanh, sạch, đẹp" được nhân dân các xã thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia hưởng ứng tích cực.

Theo Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, năm 2023 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao kế hoạch vốn trên 236,2 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển trên 102,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 134 tỷ đồng). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) là gần 28,5 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 61,1 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 146,6 tỷ đồng.

Hậu Giang đẩy mạnh truyền thông, triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719- Ảnh 2.

Nông dân Khmer xã Hỏa Lựu (TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) phấn khởi khóm Cầu Đúc (sản phẩm OCOP 3 sao) năm nay trúng mùa được giá.

Triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS

Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại đức Lâm Út Hiền, Trụ trì chùa Bô Tum Vong Sây, Thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Sư và Ban quản trị chùa vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mô hình kinh tế giúp nâng cao thu nhập.

Hậu Giang đẩy mạnh truyền thông, triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719- Ảnh 3.

Mô hình đan lục bình giúp hộ dân tộc thiểu số ở huyện Long Mỹ có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Theo bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Việc triển khai đồng bộ các Chương trình MTQG sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, từ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, chính sách tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân tự nguyện vươn lên thoát nghèo. Nếu như đầu năm 2022, Hậu Giang còn 1.306 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 16,02% so với số hộ dân tộc thiểu số), thì đến đầu năm 2023 còn 1.075 hộ nghèo DTTS (chiếm 13,13%). Đến nay Hậu Giang có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,55%); 07 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 18,92%); có 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 57 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

"Hậu Giang đặt mục tiêu cuối năm 2023 phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân từ 1%/năm, giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm. Để thực hiện được mục tiêu trên, Hậu Giang sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững; tăng cường tuyên truyền các điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững" - bà Ánh cho biết thêm.

Việc truyền thông thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhằm trang bị cho người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia thực hiện Chương trình, tự lực phấn đấu vươn lên bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719Đồng bào Khmer Sóc Trăng phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

SKĐS - Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Sóc Trăng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Một già làng vùng dân tộc Raglai ở Khánh Hòa kiên trì vận động xây nên những ngôi nhà mới.


Khánh Uyên
Ý kiến của bạn