Hà Nội

Hậu giải Sách hay 2020: Đánh thức tiềm năng các cây bút “nhí”

02-10-2020 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giải Sách hay 2020 vừa khép lại. Đáng chú ý, hạng mục “Sách Thiếu nhi” gọi tên tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy của Nguyễn Khang Thịnh (13 tuổi).

Sách hay là một giải thưởng uy tín thường niên ở nước ta, đến nay đã đánh dấu cột mốc hành trình 10 năm khuyến đọc và góp phần “gạn đục khơi trong”, gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ. Những tựa sách được vinh danh trong mỗi hạng mục, thể loại đều mang những thông điệp và giá trị riêng mà mỗi tác giả, dịch giả và các đơn vị xuất bản muốn gửi gắm.

Văn học Việt thời gian qua có nhiều tác phẩm mới cho các em thiếu nhi. Tuy nhiên, được gọi tên trong một giải thưởng lớn và uy tín như Sách hay 2020, đến nay mới có Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy của Nguyễn Khang Thịnh - học sinh trường Nguyễn Siêu (Hà Nội). Tác phẩm được Hội đồng giải Sách hay 2020 đánh giá cao vì câu chuyện chuyển tải cũng như thông điệp nhắn nhủ đến không chỉ độc giả ở độ tuổi trẻ em mà với người lớn. Kể từ lúc ra mắt vào tháng 5/2020, tác phẩm đầu tay của Khang Thịnh đã được nhiều người yêu thích.

Nguyễn Khang Thịnh và Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy.   Ảnh: Bích Lan

Nguyễn Khang Thịnh và Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy.   Ảnh: Bích Lan

Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy là câu chuyện về cậu bé Alvin hiếu động luôn thích nghĩ ra những trò nghịch ngợm. Hơn 200 trang viết với nhiều hình minh họa sinh động, độc giả bị lôi kéo và bật cười theo hành trình hàng ngày của Alvin khi ở nhà và ở trường. Alvin đã hóa giải mọi hoạt động học tập ở trường, với bạn bè cũng như kỳ vọng của người lớn bằng những trò tinh nghịch, hồn nhiên mà trí tuệ, đôi khi còn hơi “quá đà” nhưng đâu đó vẫn toát lên tính giáo dục sâu sắc. Điều đặc biệt ở chỗ, Khang Thịnh chưa từng đặt chân đến Mỹ nhưng lại hóa thân vào một cậu nhóc sinh ra và lớn lên ở Mỹ với bối cảnh gia đình, bạn bè, trường học ở Mỹ đầy chân thực, sống động và hài hước.

“Viết cuốn sách này, cháu lấy bối cảnh ở nước Mỹ bởi vì cháu được truyền cảm hứng từ những bộ truyện nổi tiếng của Mỹ. Nơi đó, cháu hình dung ra bản thân mình với những ý tưởng mong muốn phá vỡ những khuôn mẫu và luật lệ nghiêm khắc, nhàm chán, mong muốn trẻ em được người lớn lắng nghe, học sinh được giáo viên tôn trọng” - Khang Minh chia sẻ.

Với những gì mà Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy đã làm được ở giải Sách hay 2020, đông đảo bạn đọc kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều tác phẩm, tác giả chất lượng như thế. Bởi trẻ em viết sách ở nước ta từng xuất hiện những cái tên nổi bật.  Đầu năm 2020, cậu bé Cao Việt Quỳnh (11 tuổi) khiến nhiều người sửng sốt khi ra mắt tiểu thuyết giả tưởng Người Sao Chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới. Tác phẩm có rất nhiều yếu tố khiến cộng đồng fantasy Việt ngỡ ngàng, từ thế giới siêu năng lực hấp dẫn, cốt truyện ly kỳ đến độ tuổi còn quá “nhí” của tác giả. Điều bất ngờ hơn cả, Cao Việt Quỳnh mới học lớp 6 đã ghi tên mình vào danh sách những cây viết hiếm hoi dám lao vào thể loại fantasy.

Ngoài ra có thể kể đến tác giả Hà Thủy Nguyên, 16 tuổi trình làng tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian kết hợp giữa dã sử, kiếm hiệp, thần tiên đầu tiên ở Việt Nam. Một cuốn tiểu thuyết cuốn hút người đọc theo những bước chân phiêu lãng, những cuộc tình trong sáng đắm say của những chàng trai cô gái hóa thân xuống trái đất làm việc thiện việc nghĩa, không ngại chấp nhận thử thách đến từ phía cái ác, cái xấu. Trong khi đó, “thần đồng” Đỗ Nhật Nam ghi dấu ấn tự truyện song ngữ Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? ở tuổi 11, đã tái bản nhiều lần. Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện vui tươi dưới cách kể dí dỏm, trong sáng của một cậu bé. Tác giả không hề cho thấy mình là “ông cụ non”, ngược lại, hoàn toàn hồn nhiên trong thế giới tuổi thơ đầy sắc màu. Có khác hơn chăng là sắc màu của em không chỉ có cổ tích, truyện tranh, hoạt hình, mà còn nhiều kiến thức vi mô đến vĩ mô được Nhật Nam mày mò, học hỏi lúc thức lẫn lúc... ngủ.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn