Hà Nội

Hậu cứu trợ lũ lụt miền Trung: Khi trưởng thôn đứng ra điều phối

28-10-2016 14:58 | Thời sự
google news

Chỉ trong ít ngày lại đây, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị báo chí “phanh phui” chuyện thu lại tiền cứu trợ của các nhà từ thiện đã trao tận tay người dân. Vậy động cơ, mục đích của việc thu lại tiền cứu trợ để làm gì, nguyên nhân từ đâu?

Bà con vùng rốn lũ Quảng Bình nhận quà cứu trợ. Ảnh: Trường Phong.

Những năm gần đây, xu hướng nhà từ thiện bỏ qua ban tiếp nhận và điều phối cứu trợ do các cấp chính quyền lập ra ngày càng phổ biến. Họ tự tìm thông tin trên báo chí, mạng xã hội, người thân, bạn bè… quyết định địa điểm cứu trợ, trao quà tận tay người dân gặp khó khăn.

Từ khủng hoảng niềm tin…

Trước đây từng có hiện tượng xà xẻo, ngâm hàng cứu trợ quá lâu… tại một số ban tiếp nhận điều phối cứu trợ. Trong khi đó, ngày nay, giao thông, phương tiện để đi đến vùng thiên tai không còn khó khăn như trước; lực lượng thiện nguyện ngày càng trẻ hóa, họ muốn tận mắt chứng kiến sự tàn phá của thiên tai, trải nghiệm cảm giác thống khổ của người dân...

Vì thế, không ít đoàn từ thiện tự đi đến vùng thiên tai, không thông qua các tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ tại địa phương. Những đoàn cứu trợ tự phát dạng này đôi lúc gây khó khăn cho các cấp chính quyền khi điều phối công tác cứu trợ, dẫn đến những bất cập khó giải quyết thấu tình đạt lí trong cộng đồng dân cư.

Trong đợt lũ lụt vừa qua ở Quảng Bình, có gia đình nhận đến 30 thùng mì ăn liền, chưa kể các nhu yếu phẩm khác và tiền mặt. Trong lúc đó, không ít địa phương cũng bị thiệt hại trong lũ lụt nhưng rất ít hoặc không có đoàn nào về cứu trợ.

Một lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình nói rằng: Cứu trợ tự phát cho thấy sự thiếu niềm tin của các đoàn từ thiện, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Đơn giản như việc thống kê đoàn, lượng hàng, tiền cứu trợ cũng gặp khó khăn. Vừa rồi, Mặt trận tỉnh phải ký công văn yêu cầu các xã thống kê chứ không yêu cầu các tổ chức đoàn thể và các huyện như trước đây. Việc cấp xã thống kê cũng chưa chắc đã đầy đủ, vì nhiều đoàn cứu trợ về tận thôn, bản hoặc hộ gia đình.

Vị lãnh đạo Mặt trận này tâm sự: “Để lập lại trật tự trong công tác cứu trợ là một bài toán hóc búa. Làm từ thiện là một nép đẹp truyền thống, nhân văn, nhân bản, nếu dùng luật để điều chỉnh liệu có hợp tình, hợp lí. Cho đến nay, duy nhất chỉ có Nghị định 64 của Chính phủ, điều chỉnh công tác tiếp nhận cứu trợ nhưng cũng quy định chung chung, chưa sát với hiện thực cuộc sống”.

Lãnh đạo thôn Vân Nam, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình họp bàn phương án điều phối sau khi việc thu lại tiền “bị lộ”.

…đến no dồn, đói góp

Trở lại câu chuyện của một số thôn trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình thu lại tiền cứu trợ của các hộ dân để điều phối lại cho những hộ khác, cũng thiệt hại vì lũ lụt trong thôn khiến các nhà từ thiện bất bình, dư luận lên án. Nhưng nếu bình tâm, nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo thì không đến mức như chúng ta đang nghe, đang thấy.

Việc cứu trợ tự phát dẫn đến bất cập thừa - thiếu không chỉ giữa các hộ,  mà còn giữa các thôn, các xã, thậm chí là các huyện. Ngay sau lũ, Bí thư huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gọi điện cho PV, xem có đoàn nào giới thiệu lên Minh Hóa, ở đây cũng lũ lụt, cũng thiệt hại nhưng rất ít đoàn đến, nhiều địa phương chưa nhận được hàng cứu trợ. Không ít đoàn được PV giới thiệu nhưng họ không đồng ý, họ chỉ muốn đến những địa chỉ bị ngập nặng mà báo chí đã nêu, trong lúc ở các vùng này đã ngồn ngộn hàng cứu trợ.

Một trưởng thôn ngập lụt chia sẻ: Thôn có 150 hộ dân, hầu hết đều khó khăn như nhau, nhưng vì trên ra chỉ tiêu hộ nghèo nên phải nhường nhau luân phiên hưởng chính sách hộ nghèo. Mấy năm rồi không lũ lụt, đùng cái năm nay lũ to, các đoàn cứu trợ về thôn, đoàn nào cũng yêu cầu cứu trợ hộ nghèo.

Thôn chiều ý đoàn cứu trợ thì bị các hộ dân khác “đấu tố”. “Nói thiệt, không thu lại để chia không được chú ạ. Các hộ khác cũng nghèo, cũng thiệt hại, cũng cần cứu trợ. Đoàn cứu trợ họ đâu biết được nỗi khổ của lãnh đạo thôn như chúng tôi. Chẳng lẽ, nhà cơm no áo ấm, nhà thì thiếu ăn, thiếu mặc, tình làng nghĩa xóm sẽ rạn nứt nếu không có sự san sẻ trong cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, hầu hết các đoàn cứu trợ không đủ suất quà để trao cho cả thôn, hoặc là những gia đình khó khăn, thiệt hại. Các đoàn thường về đột ngột, không thông báo giá trị suất quà khiến công tác điều phối ở thôn, xã gặp khó khăn.

Những hộ đặc biệt khó khăn thường được ưu tiên nhận trước, đôi khi chỉ là vài gói mỳ tôm, những hộ ít khó khăn hơn nhận sau, suất quà giá trị gấp nhiều lần. Trong lúc đó, các địa phương không thể biết trước là đợt lũ lụt này thôn mình, xã mình có bao nhiêu đoàn về để điều phối cho công bằng. Buộc lòng các trưởng thôn phải thu lại tiền nhằm điều phối công bằng, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn – địa phương có thôn Trung Thôn thu lại tiền cứu trợ, tâm sự: “Không ai gần dân, hiểu dân và chịu sự giám sát của dân bằng các ông trưởng thôn.

Đừng nghĩ lãnh đạo thôn thu lại tiền là để xà xẻo mà tội họ, có muốn, họ cũng không dám. Ở làng, ở xã, họ còn biết từng cây kim, sợi chỉ trong nhà của nhau, huống hồ là hàng tiền cứu trợ. Đoàn nào về, bao nhiêu suất quà, bao nhiều tiền dân biết hết, thu về mà phát ra không đủ thì chỉ có nước bán xới nhà cửa rời quê hương, bản quán”.

Ông Cao Xuân Phan, trưởng thôn Vân Nam, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn - một trong những người bị dư luận lên án khi thu lại tiền cứu trợ để điều phối trong thôn, bộc bạch: “Đến giờ, nhà tui mới chỉ có 2 yến gạo, 1 thùng mì tôm với một ít bột ngọt, nước mắm... Đoàn về gấp quá, nên khi yêu cầu chọn 20 hộ, bí quá tui đọc đại vì họ yêu cầu phải khó khăn, nhưng thực tế thì các hộ này đã nhận nhiều quà rồi.

Nhiều hộ gia đình cũng khó khăn gặp tui đấu tố, dưới dân cũng lời qua tiếng lại, nên một số gia đình tự nguyện nộp lại tiền để thôn điều phối. Giờ sự việc xảy ra rồi, lãnh đạo xử răng tui chịu hết, quan trọng là tình làng, nghĩa xóm vẹn toàn”.


Ý kiến của bạn
Tags: