Hà Nội

''Hậu Crimea” - Chiến tranh lạnh đang trở lại?

04-04-2014 07:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Có lẽ chưa khi nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh, cụm từ ''trừng phạt'' lặp đi lặp lại nhiều đến vậy trong quan hệ vốn không mấy bình lặng giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Có lẽ chưa khi nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh, cụm từ ''trừng phạt'' lặp đi lặp lại nhiều đến vậy trong quan hệ vốn không mấy bình lặng giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Áp đặt các biện pháp trừng phạt lâu nay không phải là chuyện mới trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt chúng vẫn được coi là vũ khí mà Mỹ và phương Tây sử dụng như một cách thể hiện sức mạnh đối với những nước mà họ ''không ưa.''

Mỹ và các đồng minh đã từng dọa loại Nga ra khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G-8), hủy bỏ kế hoạch tập trận chung giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8/2008. Lần này, Mỹ và các nước phương Tây lại phản ứng bằng cách trừng phạt Nga sau sự kiện Moskva sáp nhập Crimea.

Không thể phủ nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư đã rút khoảng 33 tỷ USD ra khỏi Nga và con số này ước tính lên tới 55 tỷ USD vào cuối tháng Ba. Thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm từ đầu tháng Ba cùng với đồng ruble trượt giá khiến các nhà phân tích dự đoán Nga đã mất hàng chục tỷ USD mỗi ngày.

Dù năng lượng có thể coi là ''vũ khí'' của Moskva, song nếu phương Tây chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga thì GDP của nước này sẽ giảm khoảng 10% từ nay đến năm 2015, bởi xuất khẩu dầu khí vẫn là ngành chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu và là nguồn ngoại tệ lớn nhất của Nga.

Theo những dự báo ảm đạm, nền kinh tế Nga có thể sẽ không tăng trưởng trong năm nay do hệ quả của tình hình trên.

Thế nhưng, có lẽ cả Mỹ và châu Âu dường như cũng đang nếm trái đắng từ chính những bước đi của mình.

Nga khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả dựa trên nguyên tắc ''có đi có lại.''

Một danh sách trừng phạt nhằm vào các quan chức Mỹ và Canada đã được Moskva công bố. Điều đáng nói là chính các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga chắc chắn sẽ có tác dụng ngược lại theo kiểu ''gậy ông đập lưng ông,'' khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu thiệt hại hàng tỷ USD.

Các nước châu Âu đang phụ thuộc đáng kể vào Nga về năng lượng, thương mại, đầu tư... Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận rằng phương Tây không thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga.

Trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel thừa hiểu rằng các lệnh trừng phạt đó sẽ tác động ra sao đối với nền kinh tế Đức, khi khoảng 6.000 công ty Đức đang đầu tư và kinh doanh tại Nga và khoảng 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế với Moskva. Cái giá mà châu Âu phải trả khi gia tăng trừng phạt Nga rõ ràng không hề nhỏ.

Mặc dù không quá phụ thuộc vào Nga, song Mỹ cũng sẽ phải trả giá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt, nhất là khi hãng chế tạo máy bay Boeing đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan, vật liệu tối quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner.

Trên thực tế, ý đồ của phương Tây cô lập Nga trên trường quốc tế không nhận được sự ủng hộ của đa số khi Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), trong đó có Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, phản đối trừng phạt Nga. Các nước châu Á, châu Phi cũng không tham gia ''mặt trận chống Nga'' do Mỹ phát động.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng nếu Nga và phương Tây tiếp tục trả đũa lẫn nhau, mọi chuyện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo những hệ lụy khó lường.

EU, với 30% nhu cầu khí đốt và 32% nhu cầu dầu mỏ phụ thuộc vào Nga, sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Moskva ngừng bơm khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế.

Người dân châu Âu hẳn không hề muốn lặp lại ''kịch bản'' năm 2006 khi gần hết châu lục này rơi vào tình trạng thiếu khí đốt ngay giữa thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông - hậu quả của ''cuộc khủng hoảng khí đốt lần thứ nhất'' liên quan tới mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine. Tình trạng thê thảm này từng tái diễn vào tháng 1/2009 với cuộc khủng hoảng khí đốt lần hai.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu chưa thoát khỏi suy thoái, một cuộc khủng hoảng khí đốt thứ ba, nếu xảy ra, sẽ gây hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tâm lý bất mãn của người dân.

Theo Viện nghiên cứu Oxford Economics, nếu Nga ngừng cung ứng khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%.

Dưới sức ép của Mỹ, châu Âu đang gia tăng nỗ lực và đặt ''lộ trình'' giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Kế hoạch này nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp thành công nhất của Nga, trong đó tập trung củng cố nguồn cung từ Mỹ và vùng Vịnh. Ngoài ra, EU cũng sẽ can dự sâu hơn vào các nguồn tài nguyên khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, không ít nhà phân tích dự đoán, những động thái trên của các bên có thể dẫn tới một cuộc chiến khí đốt trong tương lai.

Quan hệ với Nga căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây gặp khó khăn khi ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Với tư cách là một cường quốc, một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vai trò của Nga mang tính then chốt giúp giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng.

Năm ngoái, thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá giữa Nhóm P5 1 với Iran, hay việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông khi Syria chấp thuận tiêu hủy kho vũ khí hoá học, đều mang đậm dấu ấn đóng góp của Nga.

Kế hoạch của Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay hẳn sẽ khó thực hiện được nếu thiếu ''tuyến hậu cần tối quan trọng'' qua Nga.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, mối ràng buộc giữa các quốc gia trên nhiều phương diện ngày càng tăng. Vì thế, mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đều tạo ra những tác động đa chiều đối với nhiều nước khác.

Hơn bao giờ hết, các bên liên quan cần có cách ứng xử thận trọng và phù hợp theo hướng cân bằng lợi ích, vì hòa bình và ổn định trên thế giới

 

 

 


Ý kiến của bạn