Hậu COVID-19 với người mắc bệnh nội tiết: Làm thế nào để giảm thiểu các tác động?

19-03-2022 13:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hậu COVID-19 là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Vậy cách nào để giảm nhẹ tình trạng này, đặc biệt là những người mắc bệnh nền, bệnh lý nội tiết?

1. Bốn yếu tố nguy cơ hậu COVID-19

Sau khi nhiễm COVID-19, có rất nhiều các triệu chứng như mệt, phát ban ở da, khó ngủ, lo lắng, hay dấu hiệu "sương mù não" - một dạng rối loạn nhận thức dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng thiếu minh mẫn, kém tập trung…

Đây được biết đến là hội chứng hậu COVID-19 và các nhà nghiên cứu đang ở trong giai đoạn đầu tìm hiểu về vấn đề này.

Trên thực tế, ngay cả những người nhiễm COVID-19 không triệu chứng ngay sau khi nhiễm cũng có thể có những vấn đề của hậu COVID-19. Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.

Một nghiên cứu theo dõi sau nhiễm COVID-19 khoảng 2-3 tháng cho thấy có 4 yếu tố làm tăng nguy cơ và mức độ biểu hiện các triệu chứng của hậu COVID-19:

  • Tải lượng virus cao, sự hiện diện của một số tự kháng thể tấn công nhầm vào các mô của cơ thể.
  • Sự kích hoạt lại của virus Epstein-Barr (EBV). Virus EBV là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Loại virus này là nguyên nhân gây bệnh bạch cầu đơn nhân và liên quan tới một số loại ung thư như ung thư biểu mô vòm họng, ung thư dạ dày, u lympho Hodgkin,...
  • Mắc đái tháo đường type 2.
  • Các yếu tố như tuổi tác, giới tính, các bệnh lý nền đi kèm…

2. Làm thế nào để giảm thiểu các tác động của COVID-19?

Câu trả lời là: Có nhiều cách để vừa kiểm soát và giảm nhẹ các nguy cơ tác động của hậu COVID-19. Tuy nhiên, có thể tổng kết bằng công thức:

Tiêm đầy đủ vaccine + Chủ động tự chăm sóc bản thân để nâng cao sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch (tăng khả năng chiến đấu của cơ thể với bệnh tật) = Chìa khóa để phòng chống lại những tác hại của hậu COVID-19.

Các hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe bao gồm dinh dưỡng, vận động, hỗ trợ sức khỏe tinh thần và can thiệp y tế (nếu cần). Cụ thể:

- Ăn cân đối, đủ chất: tăng chất xơ và vitamin đến từ rau xanh, hoa quả; uống sữa; ăn các loại hạt, ăn cá, trứng…

- Tăng cường vận động, tham gia các hoạt động tích cực, tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe và sở thích.

- Ngủ đủ giấc.

- Hạn chế môi trường thuốc lá, kiểm soát stress.

- Duy trì các thuốc đang điều trị bệnh lý nền (nếu có).

3. Một số lưu ý ở bệnh nhân mắc bệnh nội tiết

Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nội tiết khá nhiều (mắc đái tháo đường, các bệnh tuyến giáp, suy tuyến thượng thận) cần phải lưu ý nhiều hơn về tình trạng hậu COVID-19.

Các vấn đề sức khỏe có thể xuất hiện và kéo dài 2-3 tháng sau nhiễm thậm chí có thể hơn 6 tháng sau. Vì vậy, đặc biệt với bệnh nhân có bệnh lý nền không nên chủ quan. Cần theo dõi sát để có những điều chỉnh kịp thời.

3.1 Đối với bệnh nhân đái tháo đường:

- Chú ý theo dõi ở nhiều thời điểm khác nhau đặc biệt chỉ số đường huyết và huyết áp (đặc biệt về đêm) để duy trì mục tiêu và điều chỉnh kịp thời khi có bất thường.

- Vẫn duy trì uống thuốc đầy đủ, vì không có bằng chứng cần phải dừng các thuốc ức chế DPP4 và ức chế men chuyển.

- Duy trì chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc đều đặn để tránh tình trạng dao động đường huyết (tránh đường huyết tăng hoặc hạ).

Hậu COVID-19: Làm thể nào để giảm thiểu các tác động? - Ảnh 3.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin.

- Bệnh nhân đái tháo đường thường phối hợp với nhiều bệnh lý khác đặc biệt ở người có tuổi. Vì vậy, hậu COVID-19 thường gặp và không nên chủ quan. Ngoài những thuốc điều trị đái tháo đường, người bệnh cần điều trị thêm các bệnh lý khác (nếu có) đặc biệt vấn đề về tâm lý.

- Nếu thấy các dấu hiệu bất thường về các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, nhịp thở, đường huyết, huyết áp, tình trạng nước tiểu thậm chí các bất thường về mặt sức khỏe tinh thần: Cần liên lạc với nhân viên y tế gần nhất hoặc bác sĩ chuyên khoa để được trợ giúp.

3.2 Đối với bệnh lý nội tiết khác:

- Suy thượng thận: Tuyệt đối KHÔNG được ngừng thuốc, thậm chí trong những ngày ốm còn phải tăng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tuyến giáp: Tiếp tục duy trì thuốc nền, nếu có các dấu hiệu bất thường như đau vùng tuyến giáp, đau đầu, hồi hộp đánh trống ngực, mệt… cần tái khám sớm.

10 dấu hiệu cảnh báo cần đi khám hậu COVID10 dấu hiệu cảnh báo cần đi khám hậu COVID

SKĐS - Các bệnh lý hậu COVID đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Khi nào nên đi khám bác sĩ? Triệu chứng thế nào cần đi khám bác sĩ?... BSCKII. Trần Minh Thảo, Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ để làm rõ vấn đề này.

Mời độc giả xem thêm video:

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng


TS.BS. Nguyễn Thu Hiền
Trưởng khoa điều trị ban ngày, Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Ý kiến của bạn