Hà Nội

Hậu COVID-19, nên bổ sung những loại vitamin nào để nhanh hồi phục?

27-05-2022 11:19 | Y tế
google news

SKĐS - Việc bổ sung vitamin thời gian hậu COVID-19 rất được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, vitamin cũng là thuốc nên nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng nếu không biết cách bổ sung hợp lý.

Để cải thiện sức khỏe hậu COVID-19, nhiều người đã bổ sung rất nhiều vitamin vào cơ thể với mục đích phục hồi cơ thể, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, có rất nhiều người đang băn khoăn không biết nên bổ sung những loại vitamin nào cho phù hợp, liều lượng ra sao... cho hợp lý.

Vitamin có thể tăng cường miễn dịch nội tại. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ chức năng miễn dịch đã được chứng minh làm tăng tính nhạy cảm với virus gây bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả COVID-19.

Các thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu tác động của vitamin D, vitamin C trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh, cải thiện tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong, giúp cơ thể nhanh phục hồi thời gian hậu COVID-19.

PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: "Trong thời gian phục hồi COVID-19, các vitamin được quan tâm nhất đó là vitamin C và D."

Việc cung cấp vitamin C thông qua thực phẩm mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc bổ sung thông qua các loại thực phẩm bổ sung. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây, rau củ như ớt chuông, cam, nho, kiwi, bông cải, cà chua... Vitamin C tan trong nước, không thể tồn tại và dự trữ trong cơ thể nhưng lại cần sử dụng liên tục trong ngày, vậy nên chúng ta cần ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C trong các bữa cơm hằng ngày.

Cũng theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên: "Vitamin D không những giúp cho cơ thể khỏe mạnh mà còn được xem như một hormon cho cơ thể. Nó tham gia hỗ trợ nhiều cơ quan như xương, cơ và hệ miễn dịch. Vậy nên chúng ta cần bổ sung vitamin D cho cơ thể. Nguồn vitamin D tự nhiên và sẵn có là từ ánh sáng mặt trời. Theo khuyến cáo, chúng ta nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ít nhất 30 phút/ lần, với tần suất 3 lần/ tuần."

Hậu COVID-19 nên bổ sung những loại vitamin nào để nhanh hồi phục? - Ảnh 1.

Vitamin là chất dinh dưỡng cần thiết, cơ thể không tự tổng hợp được mà cần được bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hoặc qua các viên bổ sung

Tuy nhiên, người càng lớn tuổi thì khả năng chuyển dạng hoạt động của vitamin D từ ánh nắng mặt trời cũng giảm. Người thừa cân và béo phì cũng có thể có lượng vitamin D thấp trong huyết thanh. Vậy nên chúng ta cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua các loại thực phẩm như dầu cá, gan, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ hoặc các sản phẩm bổ sung khác.

Nên bổ sung vitamin C, D với liều lượng thế nào để tốt cho cơ thể?

Vitamin là chất dinh dưỡng cần thiết, cơ thể không tự tổng hợp được mà cần được bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hoặc qua các viên bổ sung. Việc thường xuyên sử dụng vitamin có thể gây quá liều, nguy hiểm cho người sử dụng.

Sử dụng quá nhiều vitamin C có thể gây tăng hấp thu sắt, dẫn đến quá tải sắt và có thể gây tổn thương các cơ quan như tim, gan, tuỵ, tuyến giáp, hệ thần kinh trung ương.

Sử dụng vitamin C liều cao có thể gây tăng nguy cơ sỏi oxalate ở thận, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm đo glucsoe trong máu. Vậy nên người đái tháo đường (đặc biệt là đối tượng tự đo đường huyết ở nhà) cần cẩn trọng trong việc bổ sung vitamin C. Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, sỏi thận.

BS Lâm Vĩnh Niên khuyên rằng: "Bổ sung 200-500 mg vitamin C mỗi ngày từ thức ăn (hoặc sản phẩm bổ sung) giúp mô cơ thể có đầy đủ vitamin C. Lượng này được xem là an toàn. Tuy nhiên, nếu dùng viên bổ sung hơn 1000 mg/ ngày trong thời gian dài có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, kích động, tiêu chảy, đau quặn bụng, viêm bàng quang, loét dạ dày - ruột, giảm sức bền hồng cầu gây tan máu, có thể gây sỏi thận, thậm chí tăng huyết áp, cản trở hấp thu vitamin A, B12. Nếu dừng đột ngột có thể gây phản ứng ngược."

Còn đối với vitamin D, ngộ độc vitamin D có thể dẫn đến tích tụ canxi trong máu, gây buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiểu nhiều, có khả năng diễn tiến đến đau xương, sỏi thận. Tuy nhiên, sử dụng vitamin D liều cao trong thời gian dài dẫn đến tích giữ quá nhiều canxi trong cơ thể (tăng canxi máu), dẫn đến yếu xương, tổn thương thận và tim.

"Lượng khuyến cáo mỗi ngày của vitamin D là 600 IU (15 mcg) cho người từ 1-70 tuổi, và 800 IU (20 mcg) cho người từ 71 tuổi trở lên. Nếu công việc của bạn chủ yếu là trong nhà (hoặc ở khu vực ít ánh nắng mặt trời), và việc bổ sung vitamin D từ thực phẩm không phải luôn luôn dễ thực hiện, bạn cần dùng sản phẩm bổ sung vitamin D 400-800 IU mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Nếu nồng độ vitamin D trong máu thấp, bạn có thể dùng liều cao hơn. Sử dụng 1000-2000 IU mỗi ngày nên được thầy thuốc hướng dẫn và theo dõi. Không nên dùng trên 2000 IU mỗi ngày mà không được chỉ định từ thầy thuốc", Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ.

Sản phẩm bổ sung vitamin D nên được sử dụng với thức ăn, đặc biệt là thức ăn có chất béo. Bạn có thể dùng toàn bộ liều trong ngày trong 1 lần mà không cần chia nhỏ liều. Vitamin D2 và D3 đều tốt, tuy nhiên vitamin D3 hấp thu tốt nhất.

Vitamin nào có lợi cho người sốt xuất huyết?Vitamin nào có lợi cho người sốt xuất huyết?

SKĐS - Sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu, làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh. Vậy để tăng tiểu cầu thì cần bổ sung các vitamin nào?


P. Thương
Ý kiến của bạn