Nếu thông tin này là chuẩn xác, đây sẽ được coi là nhượng bộ quan trọng đầu tiên của EU trong quá trình bàn thảo về mối quan hệ tương lai với Anh thời hậu Brexit.
Vướng mắc lớn
Ngư nghiệp đang là một chủ đề gây vướng mắc lớn trong các cuộc đàm phán giữa hai bên đối tác EU và Anh thời hậu Brexit. Khối 27 quốc gia EU tuyên bố rằng sẽ không ký bất kỳ giao ước thương mại mới nào với Anh nếu như không có một thỏa thuận ổn định về vấn đề này. Hiện nay, việc đánh bắt cá chủ yếu diễn ra ở vùng biển Vương quốc Anh song lại do phần lớn các ngư dân Liên minh châu Âu thực hiện và nắm giữ.
Ngư nghiệp đang là chủ đề gây vướng mắc trong đàm phán giữa EU và Anh.
Anh muốn rằng, sau khi Brexit được thực hiện vào đầu năm tới, với tư cách là một quốc gia ven biển mới độc lập, nước này có thể kiểm soát vùng biển và cá của mình. Trong khi đó, EU lại muốn giữ nguyên trạng các quy định hiện nay, theo đó, ngư dân của ít nhất 8 quốc gia thành viên có quyền tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của Anh và xem đây như một phần của một thỏa thuận thương mại tổng thể.
Phía Anh đã lên tiếng phản đối và đòi hỏi áp dụng mô hình hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Na Uy hiện nay, tức là hai bên sẽ thảo luận từng năm một để đưa ra phạm vi và hạn mức đánh bắt cá cho từng bên. Anh cũng muốn tách vấn đề nghề cá ra khỏi thỏa thuận thương mại.
Anh sẽ chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm nay trong khi hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Vòng đàm phán trước đó giữa Anh và EU đã không đạt được tiến triển đặc biệt do những bất đồng về nghề cá. Cả hai bên đều gia tăng cảnh báo về nguy cơ không thỏa thuận.
Nhượng bộ đầu tiên?
“Có dấu hiệu về sự hòa giải giữa các bên. EU chúng tôi sẽ tìm cách thay đổi theo yêu cầu để giữ mọi thứ như hiện tại, một vị trí mở mang tính tối đa, nếu như Anh cũng thay đổi quan điểm về gắn bó ven biển của họ. Đó là điểm có thể đi tới thỏa thuận chung giữa các bên” - một quan chức ngoại giao EU nói về vòng đàm phán EU - Anh vào tuần tới. Một quan chức EU tham gia quá trình đàm phán hậu Brexit cũng cho biết Ủy ban điều hành khối của EU - cơ quan thay mặt các nước thành viên để đàm phán với Anh - muốn tìm kiếm một thỏa hiệp tiềm năng đối với vấn đề ngư nghiệp trong những cuộc đàm phán vào tuần tới. “EU thấy rằng lập trường ban dầu duy trì những điều kiện hiện nay là rất khó thực hiện” - quan chức này tiết lộ.
Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Pháp về các vấn đề châu Âu Amélie de Montchalin lại cho rằng, sứ mệnh mà các nước thành viên trao cho nhà đàm phán Michel Barnier là đảm bảo sự ổn định tương đối liên quan tới việc tiếp cận các vùng biển, đảm bảo khả năng dự đoán, cũng như phối hợp quản lý tài nguyên. Vì thế không có lý do gì để khối này phải thay đổi những giới hạn. Song bà Montchalin để ngỏ rằng Paris sẵn sàng lắng nghe và xem xét bất kỳ đề xuất mới nào từ London.
Theo quy định, bất kỳ thỏa thuận nào giữa London và Ủy ban điều hành khối của EU chỉ có thể có hiệu lực nếu được sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên EU.