Nước Pháp hôm 7/5 bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống để chọn ra nhà lãnh đạo mới trong 5 năm tới. Theo giới phân tích, dù ai trở thành Tổng thống mới của nước Pháp cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc hàn gắn niềm tin, sự đồng thuận, gắn kết và kiến tạo một hình ảnh nước Pháp mới trên toàn cầu.
-Có thể nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống hôm 7/5 có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước Pháp trong nhiều thập kỉ qua. Việc cả 2 ứng cử viên có quan điểm khác nhau về châu Âu và về vai trò của nước Pháp với cương lĩnh tranh cử hoàn toàn đối lập, đã và đang khiến không ít cử tri băn khoăn do dự. Cũng đã có những dự đoán rằng số lượng cử tri bỏ phiếu trắng hoặc không đi bầu ngày 7/5 sẽ cao kỷ lục, thậm chí lên tới 28%. Điều này dự báo sự lựa chọn cuối cùng của cử tri Pháp sẽ là một ẩn số đó đoán định. Nhưng, điều đáng ngại hơn là con số ấy đang phản ánh sự thờ ơ và chán nản về tương lai của đất nước; và nó cũng nhấn mạnh tới những thách thức to lớn mà một Tổng thống mới của nước Pháp sẽ phải đối mặt sau cuộc bầu cử ngày 7/5.
Nhìn lại lịch sử với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2002. Khi đó, cha của ứng cử viên Marine Le Pen là ông Jean Marine Le Pen cũng đã lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống 2002. Nhưng năm đó, đa số cử tri Pháp (cả cánh tả và cánh hữu) đã không ngần ngại dồn phiếu bầu cho Tổng thống Pháp Jacques Chirac để ngăn phe cực hữu lên nắm quyền. 15 năm sau, trong cuộc bầu cử năm 2017, dù các đảng phái trên chính trường Pháp đều kêu gọi ủng hộ cho ông Macron, nhưng trong bối cảnh một nước Pháp đang trải qua nhiều biến động, liệu lịch sử có lặp lại và người Pháp có “nói không” với phe cực hữu hay không? là một điều chưa ai có thể chắc chắn.
Liệu ông Macron có thể trở thành vị Tổng thống mới của nước Pháp?
Thực tế cho thấy, sự thay đổi và tâm lý thờ ơ của cử tri Pháp đều bắt nguồn từ các biến động chính trị xã hội sâu sắc tại Pháp trong hơn một thập kỷ qua. Một nền kinh tế ì trệ, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng cao, sự bế tắc về đường lối lãnh đạo, khoảng cách giàu nghèo nới rộng, mâu thuẫn về tôn giáo-sắc tộc và cả bóng ma khủng bố chực chờ… khiến không ít người dân Pháp, đặc biệt là giới trẻ thất vọng, thờ ơ với chính trị và quay lưng lại với các đảng phái truyền thống giao điều, cũ kỹ. Đây là yếu tố lý giải cho sự xuất hiện- mặc nhiên-của phe cực hữu trong vòng 1 và vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017.
“Tôi chọn nước Pháp”
Sẽ là phiến diện nếu chỉ nói tới cụm từ “thờ ơ và chán nản”, bởi sau những gì đã diễn ra, người dân Pháp đang khát khao một sự thay đổi, một “luồng gió mới thực sự” để nước Pháp có thể thoát khỏi hình ảnh cũ kỹ, thoát khỏi những lối mòn quẩn quanh về cả tư duy và đường hướng phát triển. Nhưng ai có thể làm được điều ấy?
Hiện, nợ công của Pháp ở mức 2.000 tỉ euro, bằng gần 100% GDP của nước Pháp. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng và bất ổn xã hội là có thực. Ứng cử viên Emmanuel Macron đã cam kết nước Pháp sẽ có những thay đổi chính trị sâu sắc nếu ông được bầu làm tổng thống. Còn ứng cử viên Marine Le Pen cam kết bà có thể đoàn kết nước Pháp nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm nay. Tuy nhiên, trước thềm bầu cử, vẫn còn 57% người Pháp tin rằng chương trình kinh tế của ông Emmanuel Macron không giúp cải thiện tình hình kinh tế của nước Pháp. Trong khi đó, có tới 66% người Pháp được hỏi nói rằng họ không có niềm tin vào các đề xuất kinh tế của bà Le Pen.
Hơn nữa, một nước Pháp nhiều biến động, đang “lạc nhịp” trong khủng hoảng niềm tin và sự đồng thuận, với nguy cơ mất dần vị thế lãnh đạo tại EU… là một thực tế khiến không ít người dân Pháp lo ngại.
Bà Le Pen với những người ủng hộ giơ cao khẩu hiệu “Tôi chọn nước Pháp”
Sau ngày 7/5, người dân Pháp sẽ lựa chọn cho mình một vị Tổng thống mới và người ấy sẽ dẫn dắt con thuyền nước Pháp trong 5 năm tới. Trong một xã hội đã trải qua nhiều đổ vỡ và dịch chuyển khiến giá trị niềm tin bị lung lay, điều cử tri Pháp mong chờ có lẽ không đơn thuần chỉ là một nhà lãnh đạo quốc gia, mà nhà lãnh đạo ấy còn phải là người kiến thiết, người xây dựng nền móng cho những giá trị mới của nước Pháp và lan tỏa những giá trị ấy của nước Pháp trên toàn cầu.
Một lần nữa câu hỏi ai có thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân Pháp lại được đặt ra. Nhưng với những gì đang diễn ra, rất khó có thể có được ngay đáp án.
Dù ông Emmanuel Macron hay bà Le Pen trở thành Tổng thống Pháp, vị Tổng thống mới ấy cũng sẽ phải nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của người dân. Lịch sử của nền Cộng hòa thứu 5 vẫn đang chứng kiến những đổi thay trong lòng nước Pháp. Duy có một điều chắc chắn, đây sẽ là những thách thức rất lớn đối với tân Tổng thống Pháp trong những ngày tới.