Hát xẩm là một trong những bộ môn nghệ thuật đang nằm trong vùng mai một, vì thế, công cuộc tạo sức lan tỏa càng trở nên cấp thiết. Bằng chứng là người trong cuộc bắt đầu nghĩ đến chuyện đưa hát xẩm “bay” đến nhiều quốc gia trên thế giới. Chưa biết sức lan tỏa của hát xẩm ở “xứ người” đến đâu nhưng những tín hiệu vui thì đã thể hiện khá rõ nét.
Dấu ấn khó phai
Có thể nói, những khán giả trong và ngoài nước quan tâm đến nghệ thuật hát xẩm đều cảm thấy vui mừng và tự hào với chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ Việt tại châu Âu trong thời gian vừa qua. Nghệ sĩ Giáng Son, ca sĩ Tuấn Hiệp, nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Thanh Dần, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã mang những điệu xẩm đặc trưng của Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế và bà con kiều bào xa Tổ quốc tại Pháp. Đoàn nghệ sĩ dưới sự dẫn dắt của GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngoài biểu diễn ở Pháp, trong chuyến lưu diễn lần này, đoàn còn được CLB giao lưu Đức - Á ở TP. Munich (CHLB Đức) do GS.TS. Thái Kim Lan mời sang giao lưu đêm 6/3/2015. Người tham gia là những trí thức Đức, văn nghệ sĩ và bà con Việt kiều hâm mộ văn nghệ dân tộc Việt.
Hiếm khi nghệ thuật hát xẩm có cơ hội biểu diễn trước những khán giả đặc biệt đến thế. Đối với các nghệ sĩ, chuyến “mang chuông đi đánh xứ người” lần này là một sự kết nối đầy cảm xúc. Chắc chắn chuyến lưu diễn ấy đã gieo rắc nỗi nhớ cho không ít khán giả Việt cũng như khán giả châu Âu, những ai đã trót yêu nghệ thuật hát xẩm.
Cảm hứng mới cho các nghệ sĩ
Chia sẻ cảm xúc của mình về chuyến lưu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long không giấu được niềm tự hào: “Có thể nói, lần đầu tiên xẩm xuất ngoại lại được đón nhận với một lượng khán giả đông đảo như vậy (những lần trước chủ yếu chỉ một nghệ sĩ). Sự đón nhận của công chúng ở nước ngoài, thậm chí có những người còn biết đến xẩm và chúng tôi từ trước khi gặp mặt đã đem lại một niềm hứng khởi hun đúc thêm tình yêu của mỗi thành viên với công việc và tâm huyết mình đang gắn bó. Đồng thời, chúng tôi thấy được con đường mình đang đi cần phát huy hay tăng cường yếu tố nào và khắc phục những gì còn hạn chế để có thể hoạt động được tốt hơn”.
Cùng chung mạch cảm xúc đó, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “12 ngày đoàn liên tục di chuyển, biểu diễn, di chuyển... nhiều lúc cảm thấy mệt đứt hơi, không còn sức lực. Nhưng có điều rất lạ, cứ lên sân khấu, nhìn những ánh mắt háo hức, chờ đợi của khán giả ở bên dưới là đoàn lại quên hết mệt nhọc”.
Còn đối với GS. Hoàng Chương quả thật là chuyến đi vô cùng gian nan, vất vả từ khâu xin tài trợ đến sự hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại… Tuy nhiên, sau những nỗ lực hết mình, các nghệ sĩ đã được đền bù xứng đáng bởi sự ghi nhận của khán giả cùng những lời mời từ các tổ chức khác nhau ở Pháp, Đức, Romania…”.
Nhưng...
Đây rõ ràng là một chuyến đi ấn tượng, một chuyến đi đáng nhớ của các nghệ sĩ trẻ để giới thiệu nghệ thuật hát xẩm với bạn bè thế giới cũng như bà con Việt Nam đang sống xa quê hương. Nhưng từ thành công của chuyến lưu diễn lần này đã nảy sinh câu hỏi: “Tại sao hát xẩm tại quê nhà không có được sự cổ vũ nồng nhiệt đến thế?”. Phải chăng khi ra nước ngoài, khi có sự tương tác với khán giả nên các nghệ sĩ mới có được cảm xúc tuyệt vời để hát như lên đồng và thăng hoa? Làm thế nào để lan tỏa được mạch cảm xúc này đến với khán giả quê nhà? Và liệu rằng hát xẩm có “lôi kéo” được khán giả nước ngoài đến với Việt Nam để thưởng thức xẩm nhiều lần nữa hay không...? Những câu hỏi này có lẽ cũng chính là thước đo hiệu quả những chuyến “mang chuông đi đánh xứ người” của nghệ thuật hát xẩm.
Cũng có ý kiến cho rằng, các nhà quản lý cần nghiên cứu lại phương thức quảng bá văn hóa ra nước ngoài để làm sao vừa đỡ tốn kém vừa có hiệu quả hơn. Nếu tìm ra phương thức hoàn hảo đó thì may ra chúng ta mới xây dựng được một nền công nghiệp văn hóa như kỳ vọng, trong đó có “ngành âm nhạc hát xẩm”!
Vũ Quang