Trải qua thời gian với những thăng trầm, hát xẩm vẫn tìm được chỗ đứng và giữ được chất vốn có dù thời buổi văn hóa giải trí không ngừng nở rộ.
Hát xẩm ra đời rất sớm ở nước ta, từ khoảng thế XIII. Có thời điểm hát xẩm không còn đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn mà phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một thời gian dài, hát xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Loại hình nghệ thuật này đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình anh em cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời... Xẩm còn có nội dung về giáo dục luân thường đạo lý, lòng trung quân ái quốc, kể về điển tích, về danh sĩ... Mỗi bài xẩm là một câu chuyện kể về các khía cạnh trong đời sống con người.
Các nghệ sĩ trẻ trong MV Rượu bia tối kỵ lái xe vừa ra mắt khán giả và được đánh giá cao.
Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên hát xẩm có phần trầm lắng hơn so với trước đây. Nhưng dù có thế nào, hát xẩm vẫn giữ được cái chất của mình là loại hình hát kể chuyện, giai điệu hình thành dựa trên thanh điệu tiếng Việt và ngữ điệu lời văn. Tính chuyên nghiệp của hát xẩm gồm yếu tố văn học, nhạc khí, làn điệu tới nay vẫn không thay đổi, được các nghệ sĩ kế thừa và tiếp nối. Đặc biệt, hát xẩm vẫn đồng hành với những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích phê phán những thói hư tật xấu của một bộ phận con người trong xã hội đương đại.
Mới đây, trước thực trạng ngày càng nhiều vụ tai nạn giao thông với hậu quả thương tâm xảy ra với nguyên nhân xuất phát từ lái xe có sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Nhóm xẩm Hà thành đã ra mắt 2 MV với tên gọi Rượu bia tối kỵ lái xe và Dặn chồng chớ uống rượu bia. Hai MV xẩm này của các nghệ sĩ trẻ được đông đảo công chúng đón nhận, đánh giá cao. Bài xẩm Rượu bia tối kỵ lái xe (lời thơ Nguyễn Quang Hưng) nhắc nhở trực tiếp người tham gia giao thông với những ca từ: “Đánh võng lạng lách tứ bề dễ vào bệnh viện dễ về cõi tiên/ Bảo hiểm đừng quên cài quai đúng cách mới yên cái đầu... MV này cũng tập hợp nhiều hình ảnh người đi đường vi phạm luật lệ giao thông, lạng lách, đánh võng, nghe điện thoại...
Trong khi đó, Dặn chồng chớ uống rượu bia do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa lồng điệu, chứa đựng nỗi lo của người vợ với chồng trước vấn nạn uống rượu bia khi tham gia giao thông: Từ rày xin chớ biến thành ma men, đừng đi suốt sáng thâu đêm. Chén anh chén chú rồi quên nẻo về/Khổ con khổ vợ trăm bề/Khổ cha khổ mẹ tái tê nỗi lòng. Hai MV kể trên đều khai thác làn điệu đặc trưng của xẩm, với các nhạc cụ như đàn nhị, trống cơm... Lối hát luyến láy được vận dụng trên nền thơ, dễ đi vào lòng người nghe. Điều đáng ghi nhận, cả hai bài xẩm này đều sử dụng lời thơ với ngôn ngữ chân thực, mộc mạc và đồng thời khai thác yếu tố đặc trưng của xẩm là dí dỏm, hài hước, sâu cay để truyền tải thông tin thời sự một cách trực tiếp với hy vọng nâng cao ý thức của mọi người về an toàn giao thông. Chính vì điều này nên nhanh chóng tạo được thiện cảm, được đông đảo người dân yêu mến.
Trước đó, các nghệ sĩ trẻ Nhóm xẩm Hà thành gồm Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Trần Đình Dũng,... cũng đã có nhiều sản phẩm xẩm song hành với thời cuộc, lên án những thói hư tật xấu diễn ra trong đời sống. Trong số đó phải kể đến MV xẩm Tiễu trừ cướp biển được thể hiện bằng làn điệu xẩm sai, một làn điệu xẩm thường được dùng để phản ánh những vấn đề nóng của cả đất nước. Tiễu trừ cướp biển thể hiện tiếng nói mạnh mẽ là với truyền thống đánh đuổi giặc ngoại xâm từ ngàn đời, dù bất kỳ thời nào, hoàn cảnh nào, người dân Việt vẫn luôn kiên cường trong công cuộc bảo vệ và giữ vững chủ quyền dân tộc. Đặc biệt, MV Tiễu trừ cướp biển với những lời lẽ đanh thép, hùng hồn đã lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Những lời ca có khi xen kẽ giọng đọc hịch Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, khi lại như giọng đọc thơ, đọc rap, lúc là câu nói khẳng khái như mắng thẳng vào mặt kẻ cướp biển...
Những sản phẩm xẩm kể trên cùng với việc vài năm trở lại đây, hát xẩm được biểu diễn ở khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội) vào các tối cuối tuần, biểu diễn trong các sân khấu ca nhạc, thậm chí có liveshow xẩm... đã phần nào cho thấy sức sống bền bỉ và vươn lên của loại hình nghệ thuật này. Vì thế, hát xẩm trước đây vốn là một nghề mưu sinh nay đây mai đó của những con người lãng du, nay đã trở thành một nghệ thuật âm nhạc với vẻ đẹp văn học của ca từ, sự chuyên nghiệp trong nhạc khí, phong cách biểu diễn và loại hình nghệ thuật này vẫn luôn đồng hành cùng thời cuộc.