Hạt tiêu là vị thuốc phổ biến được dùng trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Hạt tiêu đen là quả hái khi còn xanh hoặc hơi chín, phơi khô, lớp vỏ ngoài trở nên nhăn nheo, có màu đen. Hạt tiêu trắng là những quả hái lúc thật chín, có màu đỏ, cho vào rổ, ngâm với nước 3-4 ngày để loại bỏ vỏ ngoài rồi phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có màu trắng ngà, hơi xám. Hạt tiêu trắng ít thơm, nhưng cay hơn hạt tiêu đen.
Hạt tiêu trắng.
Theo Đông y, hạt tiêu có vị cay, mùi thơm, tính nóng, vào các kinh phế, tràng vị, có tác dụng trừ hàn, ấm bụng, giảm đau, tiêu thực, chống nôn, làm se. Dùng ít để kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon. Dùng nhiều, dễ bị kích thích niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến sung huyết, gây viêm, chảy máu. Hạt tiêu đen chữa cảm hàn, vừa làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài, vừa làm ấm bụng tăng sức nóng ở trong; còn hạt tiêu trắng chuyên trị tiêu chảy với tác dụng sát khuẩn, trừ hàn thấp... bạn đọc có thể dùng một trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Hạt tiêu trắng tán nhỏ, rây mịn, mỗi lần uống 2-4g với nước cơm hay nước cháo loãng.
Bài 2: Hạt tiêu trắng và nhục đậu khấu, hai vị lượng bằng nhau 8g, tán bột. Dùng thẳng hoặc sắc uống.
Bài 3: Hạt tiêu trắng, bán hạn chế (lượng bằng nhau) tán nhỏ, trộn với nước gừng làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 15-20 viên với nước ấm.
Bài 4: Hạt tiêu trắng 20g, giã nát, củ riềng già 50g, tán bột; vỏ quýt khô 30g, tán nhỏ tất cả trộn đều ngâm với nửa lít rượu trắng trong vòng 10-15 ngày. Ngày uống 2-3 lần 15ml.
Bài 5: Hạt tiêu trắng, đại hồi, nhục quế, bạch đậu khấu, can khương, mỗi thứ 40g; chích cam thảo 20g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ rây kỹ cho vào 1 lít rượu 70 độ ngâm trong 3 ngày đêm, càng lâu càng tốt.
Người lớn: mỗi lần uống 1-3 thìa cà phê. Trẻ em dưới 10 tuổi mỗi lần 1/2 - 1 thìa cà phê; 10-15 tuổi 1-2 thìa cà phê. Cách 2 giờ uống 1 lần cho đến khi giảm bệnh. Có thể uống thêm ít gạo rang pha với một ít đường.