Hai vị thuốc từ hạt tiêu
Hạt tiêu còn gọi là hồ tiêu, cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt. Tên khoa học Piper nigri L. Hạt tiêu thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Cây hồ tiêu cho hai vị thuốc:
- Hắc hồ tiêu (Fructus Piperis nigrum) là quả chưa chín hẳn, phơi khô của cây hạt tiêu.
- Bạch hồ tiêu (Fructus Piperis albi) là quả chín, phơi khô và sát bỏ vỏ ngoài đi của cây hạt tiêu.
Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Thân mọc cuốn, mang lá mọc cách. Lá như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn.
Có hai loại nhánh: Một loại nhánh mang quả, và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá.
Cây hạt tiêu được trồng ở nhiều tỉnh miền Nam nước ta. Tại các nước khác, còn thấy ở Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia…
Muốn có hồ tiêu đen, người ta hái quả vào lúc thấy xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm quả, nghĩa là lúc quả còn xanh. Những quả còn non quá chưa có sọ, rất giòn, khi phơi sẽ dễ bị vỡ vụn. Còn những quả khác khi phơi khô vỏ sẽ nhăn nheo lại, màu sẽ ngả đen, do đó có tên là hồ tiêu đen.
Muốn có hồ tiêu trắng (còn gọi là hồ tiêu sọ) phải hái vào lúc quả đã thật chín, sau đó lấy chân đạp loại vỏ ngoài, hoặc cho vào rổ, ngâm dưới nước chảy 3-4 ngày, đạp loại vỏ đen rồi phơi khô. Loại này có màu trắng ngà, xám, ít nhăn nheo hơn, ít thơm hơn (vì lớp vỏ ngoài chứa tinh dầu bị loại đi), nhưng cay hơn.
Trong hồ tiêu có tinh dầu và hai alkaloid. Ngoài ra, còn có một số chất khác như cenluloza, muối khoáng.
Tinh dầu chừng 1,5-2,2%. Tinh dầu này tập trung ở vỏ quả giữa cho nên hồ tiêu sọ ít tinh dầu hơn. Tinh dầu màu vàng nhạt hay lục nhạt, gồm các hydrocacbua như phelandren, cađinen, cariophilen và một ít hợp chất có oxy.
Trong hạt tiêu có chứa hai alkaloid là piperin và chavixin.
Ngoài tinh dầu và alkaloid ra, trong hồ tiêu còn 8% chất béo, 36% tinh bột và 4,5% độ tro.
Tác dụng dược lý của hạt tiêu
Dùng liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tụy, hồ tiêu kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon cơm, nhưng liều lớn, kích thích niêm mạc dạ dày, gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt, viêm đường tiết niệu, đái ra máu.
Hồ tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi hồ tiêu có tác dụng đuổi các sâu bọ như kiến, ruồi...
Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm gia vị, hồ tiêu được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, giảm đau (chữa đau răng), đau bụng. Ngày dùng 1-3g dưới dạng bột hay thuốc viên.
Hạt tiêu có chứa các alkaloid (pipenine, chavixin, piperilin…), dầu nhựa và tinh dầu. Tác dụng làm tăng nhu động ruột, an thần, giảm đau, hạ sốt, chống kinh giật, làm tăng huyết áp, sát trùng.
Theo Đông y, hạt tiêu vị cay, mùi thơm, tính nhiệt; vào tỳ, vị, phế và đại tràng; có tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí, tiêu đàm, điều vị, giải độc; dùng điều vị, khai vị, trợ tiêu hóa; chữa đau quặn bụng do lạnh, nôn ra nước trong, tiêu chảy đầy bụng không tiêu, đờm tắc, sát khuẩn, giải độc.
Liều dùng cách dùng: 1 - 3g tán bột cho vào thực phẩm.
Để chữa đi lỏng, ăn vào nôn ra dùng hồ tiêu, bán hạ chế, hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng nước gừng viên bằng hạt đậu. Ngày uống 15-20 viên. Dùng nước gừng chiêu thuốc.
Lưu ý khi dùng hạt tiêu
Mặc dù hạt tiêu rất tốt cho sức khỏe, nhất là trong mùa lạnh vì có tác dụng trừ lạnh nhưng cũng không nên lạm dụng bởi nếu lạm dụng sẽ gây một số bất lợi: Rối loạn tiêu hóa, cảm giác nóng rát trong dạ dày, khiến da khô và dễ bong tróc…
Phụ nữ mang thai và nuôi con bú nên hạn chế sử dụng loại gia vị này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Trào ngược dạ dày - thực quản: Có nên kiêng đồ ăn nhiều chất béo?