"Sâm" là tên gọi chung của rất nhiều dược liệu quý, các loại dược liệu này vô cùng đa dạng, phần nhiều trong số đó là các dược liệu có tác dụng bổ dưỡng. Từ xa xưa con người đã biết kết hợp sâm với các dược liệu khác giúp tăng cường tác dụng đối với sức khỏe con người.
Hạt sen vừa là một loại thực phẩm phổ biến trong đời sống người Việt Nam ta, lại vừa là một vị thuốc với nhiều tác dụng tốt, kết hợp hạt sen với các vị sâm sẽ cho ra nhiều món ăn - bài thuốc ngon miệng, có lợi cho sức khỏe.
Công dụng của hạt sen
Hạt sen trong Đông y được dùng với các tên gọi như liên nhục, liên tử, có vị ngọt, chát, tính bình, quy kinh tỳ, thận, tâm.
Hạt sen có các công dụng như bổ tỳ chỉ tả, ích thận sáp tinh, dưỡng tâm an thần và thường được ứng dụng trong điều trị các chứng tỳ hư, đi ngoài phân lỏng lâu ngày, di tinh, phụ nữ khí hư, mất ngủ, ngủ hay mơ, tim đập hồi hộp, hay quên…
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, trong hạt sen có hàm lượng cao các chất protein, magie, kali, photpho, trong khi đó lại chứa rất ít các chất mỡ bão hòa, cholesterol.
Hạt sen cũng được chứng minh là có các tác dụng như giúp làm chậm quá trình lão hóa, kháng viêm, hạn chế sự lan rộng của tế bào ung thư phổi, cải thiện vị giác…
Chính vì vậy hạt sen là một vị thuốc đồng thời cũng là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi.
Hạt sen có tác dụng dưỡng tâm an thần, chữa mất ngủ, hay quên…
Kết hợp với nhân sâm
Hạt sen kết hợp với nhân sâm là cách kết hợp kinh điển trong Đông y. Các kết hợp này đã xuất hiện trong cổ phương với bài thuốc Nhân sâm liên nhục thang trong sách Kinh nghiệm lương phương.
Trên thực tế, ngoài cách sắc nước uống, hạt sen và nhân sâm có thể kết hợp với nhau làm nguyên liệu chính dùng trong việc chế biến thành các món cháo, hoặc chè, có tác dụng rất tốt với sức khỏe.
Nhân sâm theo Đông y có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế. Trong các thư tịch Đông y cổ, nhân sâm được mô tả là "chủ trị ngũ tạng khí bất túc, ngũ lao thất thường, hư tổn yếu mỏi".
Hạt sen với tác dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, bổ dưỡng tâm thần, khi kết hợp cùng nhân sâm có tác dụng bổ khí ích tỳ, dưỡng tâm cố thận, có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ điều trị các triệu chứng như hồi hộp mất ngủ, khí hư mệt mỏi, tự ra mồ hôi do khí hư tỳ yếu.
Hạt sen có thể chế biến với các loại sâm để tăng cường sức khỏe.
Kết hợp với đảng sâm
Ngoài việc kết hợp với nhân sâm, hạt sen cũng có tác dụng rất tốt nếu kết hợp với đảng sâm.
Nếu như nhân sâm là dược liệu có tác dụng bổ rất mạnh mẽ, trong một số trường hợp sẽ không thích hợp để dùng lâu dài vì dược tính quá mạnh, với những triệu chứng tỳ phế hư nhược nhẹ chúng ta có thể thay nhân sâm bằng đảng sâm.
Đảng sâm có tác dụng bổ ích tỳ phế tương tự như nhân sâm nhưng nhẹ hơn, do đó khi dùng kết hợp với hạt sen sẽ có hiệu quả ôn hòa và ổn định hơn, phù hợp cho người mắc bệnh mạn tính.
Vị thuốc đảng sâm.
Kết hợp với tây dương sâm
Tây dương sâm có tác dụng bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt sinh tân, so với nhân sâm, tây dương sâm cũng có tác dụng bổ nguyên khí nhưng đồng thời còn có tác dụng bổ âm, phù hợp cho những người khí âm lưỡng hư do bệnh nhiệt vào mùa hè.
Vào mùa hè nóng bức, khi người khí hư tỳ yếu, có thể dùng tây dương sâm kết hợp cùng hạt sen. Sách "Bản thảo tùng tân" cho rằng tây dương sâm có tác dụng bổ phế giáng hỏa, sinh tân, trừ phiền.
Do đó, khi xuất hiện triệu chứng khí âm lưỡng hư do bệnh nhiệt, chúng ta có thể sử dụng hạt sen kết hợp cùng tây dương sâm giúp tăng cường sức khỏe.
Kết hợp với sâm bố chính
Như đã nói ở trên hạt sen kết hợp cùng tây dương sâm rất thích hợp với những người có thể trạng khí âm lưỡng hư, người mệt mỏi, ăn uống kém, tay chân không có lực, người khô, nóng…
Việt Nam ta có một loài sâm đặc hữu là bố chính sâm cũng có tác dụng bổ khí dưỡng âm, sinh tân, trừ phiền tương tự tây dương sâm.
Chính vì vậy, vào những ngày hè, ngoài lựa chọn sử dụng tây dương sâm, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hạt sen kết hợp với sâm bố chính, vừa có giá thành rẻ hơn mà tác dụng cũng tương tự khi kết hợp với tây dương sâm.
Hạt sen, sâm bố chính có thể kết hợp thêm một số loại thực phẩm như vỏ dưa hấu, mạch môn để tăng cường hiệu quả thanh nhiệt dưỡng âm.
Cùng một loại thực phẩm dược liệu với những các kết hợp khác nhau sẽ đem đến những hiệu quả với sức khỏe khác nhau. Chúng ta có thể tùy vào tình hình sức khỏe, thể trạng của bản thân mà lựa chọn cho mình cách kết hợp phù hợp.
Mời bạn xem tiếp video:
Những ai không nên ăn hạt sen | SKĐS