Hát Quốc ca - Lời Tổ quốc trong mỗi trái tim

23-07-2010 20:07 | Xã hội

Chúng ta thường xúc động mỗi khi thấy các tuyển thủ bóng đá và cổ động viên hát Quốc ca trước mỗi trận đấu. Lời Quốc ca vang lên như hồi kèn xung trận,

Chúng ta thường xúc động mỗi khi thấy các tuyển thủ bóng đá và cổ động viên hát Quốc ca trước mỗi trận đấu. Lời Quốc ca vang lên như hồi kèn xung trận, như tiếng gọi của non sông trong mỗi trái tim người thúc giục tiến về phía trước với tất cả niềm kiêu hãnh dân tộc mà người hâm mộ vẫn gọi là "màu cờ sắc áo”.Bóng  đá là một môn thể thao còn là vậy mà sao tại các cơ quan, các hội nghị ít thấy hát Quốc ca ngoài việc bật nhạc để đại biểu đứng nghiêm chào cờ.

Hát Quốc ca không phải là ca nhạc nghệ thuật với chuyện biết hát hay không biết hát mà tiếng hát ấy bật ra từ mỗi lồng ngực như lời thề với non sông trước mỗi nhiệm vụ, mỗi sự kiện. Tiếng đồng ca ấy là sự "chung lòng cứu quốc" đoàn kết nhất trí của những người có mặt bất kể tuổi tác, giới tính, chức vụ, địa vị. Phạm vi nhỏ như buổi Đại hội Chi bộ, Đại hội Công đoàn cơ sở đến các hội nghị, rồi cả các diễn đàn lớn của đất nước, tất cả các thành viên và đại biểu cùng hát Quốc ca trong tiếng nhạc hẳn sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với chỉ đứng nghiêm trang trong tiếng nhạc Quốc thiều.

Riêng cán bộ viên chức, công chức Nhà nước thôi liệu có bao nhiêu phần trăm thuộc bài Quốc ca? Chưa có điều tra xã hội học nào chỉ ra, song con số thực tế hẳn là không ít. Chúng ta vẫn nói về lòng yêu nước và hát Quốc ca trong mỗi lần chào cờ cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Khi tiếng hát bật ra từ lồng ngực, bên cạnh lòng tự hào dân tộc, lời ca từ trái tim mình còn là lời thề trách nhiệm trước quốc gia.

Nên chăng các cơ quan, đoàn thể, trường học có các buổi chào cờ đầu tuần và mỗi người phải hát Quốc ca. Thuộc và hát Quốc ca cũng là một tiêu chí đánh giá cán bộ. Đây không phải là vấn đề hình thức mà hồn thiêng sông núi, sự hy sinh của lớp lớp người đi trước để làm nên Quốc ca Việt Nam khi phát ra từ trái tim mỗi người sẽ thành sự thúc giục khiến chúng ta sống có trách nhiệm hơn, con người xích lại gần nhau hơn bởi cùng chung một lời ca. Các Đại hội, lễ hội lúc khai mạc chào cờ thiết nghĩ không nên chỉ có nhạc Quốc ca mà tất cả những người có mặt cũng phải hát.

Thử tượng tượng ngày khai mạc Đại lễ ngàn năm Thăng Long, giây phút chào cờ, hàng vạn con tim từ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến mỗi người dân bình thường cùng cất lên lời Tổ quốc hẳn hào khí Thăng Long sẽ được nhân lên biết bao lần. Và tại sao trong các trận bóng đá chúng ta làm được mà trong những buổi lễ trọng đại lại không thể?.

Quốc ca - niềm tự hào về đất nước, sự kiêu hãnh dân tộc và trách nhiệm với Tổ quốc - cần phải được thường xuyên cất lên từ mỗi lồng ngực bằng tất cả ngọn lửa từ mỗi trái tim. Là người Việt Nam không thể không thuộc Quốc ca và hát Quốc ca dù người đó là ai.

 
LÊ QUÝ HIỀN

Ý kiến của bạn