Quả mơ, nước mơ, dầu mơ là những loại thức ăn truyền thống của nhiều dân tộc. Tuy nhiên, việc sử dụng hoạt chất amygdalin từ hạt mơ trong điều trị ung thư còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong lịch sử phát hiện, chế biến và sử dụng thuốc chữa bệnh, có lẽ chưa có loại thuốc nào gặp phải nhiều thách thức và cản trở trên đường đến với người bệnh như hoạt chất amygdalin từ các loại hạt.
Tác dụng đối với sức khỏe của quả mơ
Thực phẩm được chế biến từ quả mơ đã từng là những loại thực phẩm truyền thống của nhiều dân tộc hoặc nhiều bộ lạc khác nhau. Người Abkhasian ở Liên Xô, Hunza ở Pakistan, bộ lạc Vilcabiumba ở Ecuador và một số bộ lạc ở Nigeria đều sử dụng loại quả này. Ở nước ta, sản phẩm thông dụng nhất từ mơ là nước mơ và ô mai mơ. Trong quyển sách Hunza Health Secret, khi mô tả lối sống trường thọ, mạnh khỏe và năng động của những người Hunza, tác giả Renee Taylor đã cho biết dân ở đây đã tìm thấy một nguồn chất béo thực vật rất quý trong hạt mơ. Nhiều nghiên cứu sau này đã cho thấy dầu thực vật có hàm lượng cao các loại acid béo chưa bão hòa hữu ích cho hệ tim mạch và hoạt động thần kinh. Dầu hạt mơ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người Hunza. Phụ nữ ở đây đã truyền cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác về cách sử dụng những món ăn từ quả mơ, hạt mơ. Mơ được chế thành bột nhồi, mứt, bánh mì và nước mơ; Dầu mơ để chiên xào, trộn salad, làm thuốc để đẹp da và đẹp tóc.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có một hạt đơn độc nào có thể chữa khỏi ung thư.
Vitamin B17 có liên quan gì tới hạt mơ?
Vào năm 1803, GS. Pierre-Jean Robiquet và GS. A.F.Boutron-Charlard đã trích xuất được hợp chất amygdalin từ hạt hạnh nhân đắng. Sau đó, người ta cũng tìm thấy hợp chất này từ hàng ngàn loại hạt khác, nhiều nhất ở hạt đào, hạt mơ. Amygdalin cũng có tên là laetrile, nitriloside hay vitamin B17.
Laetrile là một hợp chất hóa học, khi vào cơ thể, dưới sự xúc tác của các enzym có sẵn trong hạt và những enzym khác trong ống tiêu hóa sẽ phóng thích ra benzaldehyde, hydrocyanide acid (HCN) và 2 phân tử đường. HCN là một hợp chất chống phát triển khối u và giảm đau được dùng ở một số nơi để phòng chống ung thư. B17 đã được dùng để chữa ung thư ở Nga và Mỹ từ năm 1920.
Năm 1973, hai loại sản phẩm công nghiệp đầu tiên từ hạt mơ là aprikern và bee seventeen được bào chế thành viên nhộng dạng bột. Aprikern có nghĩa là hạt mơ, chữ ghép lại của hai từ apricot (quả mơ) và kernel (phần nhân, phần hạt). Người ta cũng phân biệt B17 được sản xuất, cấp phép sử dụng ở một số nơi ở Mỹ là B17 nhân tạo được làm bằng cách tổng hợp, trong khi sản phẩm cùng tên sản xuất và sử dụng ở Mexico là loại có nguồn gốc tự nhiên được chế bằng cách nghiền nát hạt mơ. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng lưu hành, ngày 23/11/1973, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ra lệnh cấm lưu hành và sử dụng. FDA đã cho rằng B17 có độc tính và không có hiệu quả. Bởi HCN, hoạt chất chính trong B17 là một chất có độc tính. FDA đã khám phá ra rằng, HCN tác dụng trên trung khu thần kinh, với liều nhỏ gây hưng phấn, liều lớn gây ức chế, có thể dẫn đến hôn mê. Với liều trung bình 2mg HCN mỗi viên thì 5 viên có thể gây ngộ độc cho trẻ em và 20 viên sẽ độc cho người lớn. Tuy nhiên, lý lẽ mà các nhà khoa học bảo vệ B17 đưa ra lại khác. Liều lượng HCN có trong hạt mơ hoặc liều dùng hàng ngày là không đáng kể và tổng lượng mà FDA đã gợi ra để cho rằng có độc tính không hề xảy trong điều kiện thực tế. Trong những cộng đồng có truyền thống sử dụng các thực phẩm từ quả mơ, chưa có một thông tin nào cho thấy có xảy ra ngộ độc vì ăn hạt mơ hay dầu mơ.
Ngoài ra, hạt mơ còn có nhiều chất khoáng và chất chống ôxy hóa khác. Do đó, B17 trong liệu pháp dinh dưỡng hoàn toàn khác với hóa chất HCN.
B17 thực sự có tác dụng đối với bệnh ung thư hay không?
Giờ đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có một liệu pháp nào hoặc một loại chất, loại hạt đơn độc nào có thể đảm bảo chữa khỏi được ung thư. Bệnh ung thư là bệnh của hệ miễn dịch, chữa khỏi bệnh phải bao gồm nhiều biện pháp tổng hợp để nâng cao miễn dịch. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã cho thấy nhiều chất chống ôxy hóa trong các loại hạt thô và rau quả có tác dụng trung hòa những gốc tự do, nâng cao sức miễn dịch, bảo vệ màng tế bào qua đó đảo ngược tiến trình ung thư hóa. Các nhà khoa học đều đồng ý rằng những vi chất dinh dưỡng đều hoạt động theo nhóm, sự hiện diện của chất này sẽ làm tăng tác dụng của chất kia. Do đó cần ăn đa dạng nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc và các loại đậu mè khác nhau vừa bảo đảm đủ những nhóm chất cơ bản, vừa đủ những vi chất và chất chống ôxy hóa cần thiết.
Quả mơ, hạt mơ là thực phẩm có nhiều chất chống ôxy hóa mạnh như vitamin C, caroten, lycopen, quercetin. Nhưng chỉ khi ăn nguyên quả mơ, chất xơ và những vi chất khác có trong quả mơ mới giúp cho các chất - kể cả HCN được chuyển hóa phù hợp và hữu ích nhất cho cơ thể mà không sợ độc hại, miễn là không ăn quá nhiều cùng một lúc. Mỗi người có thể ăn khoảng 10 quả mơ mỗi ngày, ăn cả hột, ăn mỗi lần từ 1 đến 2 quả, ăn nhiều lần trong ngày mà không sợ nhiễm độc. Khi cần ăn nhiều hạt hơn, nên luộc chín trước khi ăn.
Ngoài ra, việc phòng chống ung thư sẽ không hữu hiệu nếu việc ăn nhiều hạt, rau quả không kèm theo các biện pháp nhằm giảm thiểu những gốc tự do hoặc chấm dứt việc phơi nhiễm những tác nhân gây ung thư. Do đó, vận động hợp lý, thực hành thư giãn, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, tránh ăn thực phẩm chế biến công nghiệp và các loại đạm động vật luôn là những biện pháp quan trọng trong việc chữa bệnh cũng như ngăn chặn bệnh tái phát.